Anh thuộc dạng dễ yêu nên nơi nào đi qua anh cũng đãi bôi nơi này nơi đó đẹp lắm. Do vậy mà anh sợ rằng một ngày nào đó, mình sẽ quên Burma mất, vì ai biết được trên bước đường phiêu bạt, anh sẽ gặp sẽ yêu thương và nhung nhớ những miền đất khác nữa, những gương mặt, nụ cười, những hiền hoà đầm sâu khác nữa. Lúc về nhà anh viết vào sổ du ký, sẽ trở lại nơi này. Lúc đó mùa thu đã đi qua, lá vàng héo úa.
Mùa thu luôn dịu dàng, mùa thu luôn bay bổng. Và mùa thu Burma còn mát rượi tắm tưới cho anh những khoảnh khắc thật khó nói thành lời. Anh đi qua mùa thu, với cơn mưa chiều bất chợt ở Bagan, với ánh trăng lăn tăn mặt nước cầu Ubein một tối Mandalay buồn, là Yangon với một bữa mở mắt ra thấy trời sáng, thấy lòng mình nao nao với những dãy phố im lìm hoài cổ. Burma vắt qua mùa thu của lòng anh thật hiền, nhưng sâu đầm quên hổng được.
Chỉ có anh là tiếp tục trôi. Vội vàng.
6. Còn bao lâu cho những vàng mười này?
Với mỗi nơi anh đặt chân đến, anh luôn dành thật nhiều tình cảm, cho con người, cho cảnh vật, những nền văn hoá, những giá trị truyền thống của mảnh đất ấy. Anh luôn mở rộng trái tim mình ra hết thảy, để nhận lại những điều nho nhỏ dễ thương mà cũng thiệt khó quên, rưng rức. Burma bắt đầu bằng bữa trưa Mandalay nóng, mặt nước hồ trôi trong cái nắng mùa thu chênh chao. Buổi chiều đầu tiên ở Mandalay, anh chạy đua theo ánh mặt trời, nhớ lúc chiều buông và mặt nước dưới chân cầu Ubein lặng lờ, trong bóng tối có ánh trăng trời nước Mandalay làm bạn. Anh đến Bagan gấp rãi gọn hơ trong một ngày, chưa đủ để bén người, bén đất, mà tình cảm anh dành cho thành cổ vẫn hết mực đong đầy. Là những ngôi chùa nằm trên những vạt nắng, có cơn mưa chiều bất chợt ghé qua thăm. Nhìn thấy cầu vồng treo trên đầu ngọn tháp, với những cụm đền tháp hiên ngang trăm năm, nghìn năm. Là một đêm ngủ trong thiền viện, giang hồ lang bạt kiểu gì mà nghe tiếng muỗi kêu cũng đau đáu nhớ thương những đồng rạ quê nhà. Và Yangoon của những buổi sáng mát lành, trong trẻo. Một Yangoon với phố xá âm thầm, những dãy nhà cao tầng cũ kỹ đậm nét thuộc địa, đường phố tươi xanh rậm mát bóng cây. Anh đi qua tất cả, và khi về nhà lại thấy nhớ tất cả, bằng một niềm yêu thương khó nói nên lời.
Anh gọi này là những vàng mười. Như cái kiểu dân Burma không kể đàn ông hay đàn bà, đều vận longi đi rầm rầm trên phố. Dân lao động cửu vạn cho tới những ông bà ngồi văn phòng, đều quấn longi, nhai trầu lẻm bẻm, thoa thanaka, thân thiện, hiền hoà dưới ánh sáng của Phật giáo. Những vàng mười ấy thuộc về giá trị văn hoá truyền thống bồi lắp mấy nghìn năm nay của đất nước “không giống với bất cứ vùng đất nào” này. Burma của anh thật sự bình yên và cũ kỹ. Anh thì lại yêu những cái thuộc về cũ kỹ và bình yên ấy.
Nhưng đôi lúc anh lại chấp chới giữa dòng. Như cái kiểu Không tên tóc tém chỉ đường cho anh trên phố. Không tên trẻ măng và tràn trề nhiệt huyết. Cô không thích đất nước này chút nào, dơ bẩn và cũ kỹ. Có dịp đi qua những quốc gia và vùng miền khác, Không tên hiểu rằng qua bao nhiêu năm quay lưng lại với thế giới, thì giờ đây Burma đã hoàn toàn là một quốc gia lạc lõng với những thay đổi của thời đại. Cô muốn thay đổi những cũ kỹ và lạc hậu ấy. Cô không vận longi nhưng vẫn bước đi hoàn toàn tự tin trên phố chợ. Nói điều đó không có nghĩa rằng cô không yêu quê hương của mình. Anh nghĩ, bất cứ một con người có trái tim nào, trên trái đất này, không phân biệt màu da, nước tóc, đều giữ trong lòng mình một niềm yêu thương quê hương xứ sở cả. Nhưng Không tên chỉ là muốn phá bỏ những xiềng xích rào cản làm trì hãm sự phát triển của quê hương đất nước mình. Và để phát triển, buộc phải giẫm lên những giá trị truyền thống văn hoá tự ngàn đời. Điều đó làm cho anh chênh vênh chấp chới, nửa muốn Burma hãy cứ là Burma thôi, đừng chạy theo những giá trị phù phiếm mà đánh mất đi những longi, những vệt trầu phai, những gương mặt thoa thanaka hiền hoà, chân chất. Nhưng một nửa trong anh lại bảo, kiểu gì rồi Burma cũng sẽ thay đổi, phải thay đổi. Đất nước này đã nhiều năm ngủ yên trong giấc mơ thiên lý rồi, nay đã bắt đầu thay da đổi thịt từng ngày từng giờ rồi. Lúc đó thì anh thấy buồn, nghĩ nghĩ cũng may mình đã đặt chân đến Burma khi mà nơi này vẫn còn phần nào chưa bị cuốn theo sự phát triển của những nền văn hoá ngoại lai. Và khi nghỉ chân ở hostel giữa Yangoon đông đúc, anh không thể check in vào facebook, và tin nhắn của anh gửi đến một người quen ở Yangoon mãi mấy tuần sau, lúc anh trở về Việt Nam rồi mới nhận được hồi âm. Nền tảng công nghệ của nơi này vẫn còn chậm phát triển lắm. Nhưng ờ thì ai mà biết được, chuyện thay da đổi thịt đôi khi chỉ trong chớp mắt một cái, là xong. Y chang như người, hôm trước còn ngọt ngào còn đưa đẩy, lúc sau đã trở mặt, bạn thành thù. Lòng người, âm trầm và dễ thay đổi.
Tự thấy mình may mắn. Anh đi Burma trong mùa thu, thấy nắng thu vàng hanh hao, thấy lòng mình nhẹ nhàng. Người Burma vẫn còn hiền hoà và thân thiện lắm. Như mấy món Burma anh ăn ở Bagan, nhìn xù xì xấu xí nhưng hoá ra lại vừa miệng. Sau cơn mưa anh gặp được cầu vồng, giữa đêm khuya lúc nửa đêm về sáng anh được bưng vô chùa, ngủ trệu trạo một đêm nơi cửa thiền viện. Và đôi lúc thấy nhớ Burma, anh tự hỏi còn bao lâu nữa cho những vàng mười đầm sâu trong hồn anh? Câu hỏi thì chả biết bao giờ mới có lời đáp. Có thương, có nhớ, có quan tâm thì mới có lo lắng. Anh thương nên anh nghĩ hơi sâu?
Chỉ có mùa thu là vội vàng. Đến rồi đi tuần hoàn. Như những niềm riêng không ngưng nghỉ. Chỉ có yêu thương là không bao giờ ngưng nghỉ.
lâu lắm mới ghé lại. thấy một màu xanh thật dịu dàng và dễ đọc. sẽ từ từ đọc nhen.
Trả lờiXóaDạ chàng trai trẻ nay đã bớt buồn rồi cô ạ.
Trả lờiXóa