Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Thu gom lịch cũ!

Đang định đi xin lịch năm cũ để bán ve chai để giáng sinh / cuối năm đi tặng quà cho các em nhỏ khó khăn! Ý tưởng là như thế, nhưng bận quá chưa share được với bạn bè! Treo status lên đây ngỏ ý trước, ai có lòng thì ủng hộ Ton Phan với heng!

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Đặt gạch để đó hay - Dầu Hạ nhớ thương!

1. Con trai yêu bằng mắt, con gái yêu bằng tai! N. nói bữa anh sương sương ghé qua nhà N. chơi, ngồi quấy quá vọc tung mớ quần áo N. treo trên tường nhà! N. khum khum cho mấy con chó ăn, nói gọn hơ trọn lỏn kiểu gió thoảng mây bay! In như con người ta cũng sương sương nên hổng có thấy, lúc nói câu này N. mím mím môi muốn cười, mà che đi bằng cái kiểu gọi Mực ơi Mực à ráng ăn lẹ đừng đi rượng đực nha cưng. Anh ngồi chơi với N. một chút rồi gà gật đi về, nửa đường mới nhớ ra nãy hình như có ai nói nói gì vô tai mà nhớ hổng ra. Bữa sau đi công chuyện bên phòng tài nguyên huyện mới nhớ tới cái câu N. nói. Tròm trèm cũng hơn ba bữa rồi!

2. N. nhỏ người, tóc dài tới lưng, da rám nắng, con gái làm thợ may, thời xưa khổ, thời này còn khổ tợn! N. nói chuyện nhỏ nhẻ, nhưng đụng chuyện đi rồi thấy, N. cũng gấu không thua gì ai. Con gái xóm chợ mờ, không buôn dưa cá không thành ra cửa nhà! Hồi còn đi học, mấy đứa bạn chung xóm hay dựa hơi N. , kiểu coi N. là nữ thần công lý, thấy nhỏ đó hiền hiền vậy chớ bạn bè có chuyện gì uất ức, kêu N., để N. ra tay là khỏi lo. Nhưng được cái tính N. lành, đúng chuyện thì thôi, không đúng thì chơi tới lút! Nhiều khi cô mắc cười, trời đất ơi hay tại mình hay thế này, thế nọ, thế kia, mà bây giờ chèo queo, làm cô thợ may may áo bông cưới, áo dài cưới cho người ta riết, giờ hết ai thèm!

3. Anh không phải dân gốc Dầu Hạ. Nhà anh ở Bình, xa lắc. Đời may rủi xô anh trôi về Dầu Hạ một bữa anh cũng sương sương, sếp khèo chai rượu qua nói mày ráng heng, mơi mốt về chỗ mới rồi, đừng quên đồng nghiệp hỉ. Cái giọng sếp nhừa nhựa rót vào tai anh thành ra chói lói! Anh không muốn rời xa Bình, bởi từ bận anh bỏ Sài về nhà, anh chí thú mần ăn, anh không tòm tèm nơi nào nữa, yên ổn ở nhà với má, bữa má bảo xóm trên ngay góc Sương có mối này được lắm, hôm nào dắt đi coi mặt. Anh ừ hử, yên phận cho rồi, hơn ba mươi tuổi đầu, anh cũng còn đâu nhỏ nhít. Giờ thì anh nhận quyết định đi - thì cái lời của sếp gởi mớ bòng bong qua chung rượu coi như là thành tờ quyết định. Anh về Dầu Hạ một bữa nắng oi nồng, cái nắng xứ này in như thấy người từ phương xa thành ra sáng rỡ! Bữa đó anh nhậu, về ngang chợ ghé qua mua gói thuốc, mang máng có người nói dòm cái mặt xỉn xỉn thèm nghỉ bán cho rồi, cái giọng nhỏ nhẻ, con gái tóc dài tới lưng, da rám nắng! Trong lơ mơ anh nhớ được chừng nhiêu đó, rồi thôi!

4. Dân Dầu Hạ không ai không biết N, mà thiệt ra thì biết là biết cái gia trang nhà N. Bởi ông già cô hồi trước chuyên gia buôn đồ lậu qua biên giới. Đồng hồ, thuốc lá, tivi màu, cát sét có gì nhà cô buôn hết! Dầu Hạ nằm gần đường biên, con người ta lăn lộn riết thành ra thấy quen ngái! Rồi ông nhà nước mạnh tay, dập tắt từ từ những con đường buôn bán tiểu lộ! Ông già N. cũng vào xộ ra khám, nhưng tiếng tăm từ cái thuở ngày xưa làm sao mà mờ phai cho được. Ông già tía của N. giờ già, chỉ còn chí thú với chim hoa cá cảnh! N. giống ông già tía ở cái chỗ, khoái chăm sóc cây, khoái nuôi mèo, nuôi chó! Người ta nói trời đất cơi con gái đừng có đụng vô mấy cái thứ hoa cỏ chim muông thú vật thế này, tài hoa mà ế chết con ơi. N. thì khéo, may đồ đẹp nức tiếng cả Dầu Hạ, thương chó, thương mèo cũng nổi tiếng luôn! Nhưng cũng tròm trèm cái đầu ba mà N. vẫn cứ thui thủi một mình! Hay là cô giận tiếng người nên tối ngày tìm quên bên con Mực, con Tô, bên chậu bạch mai, bên hàng túc tát!

5. Ba mươi tuổi cho anh một cái nhìn tĩnh tại về cuộc đời. Thì cũng hơn nửa đời người chứ có chi mà ít ỏi nữa. Anh hồi nhỏ khó nuôi! Má phải đem bỏ bờ rào, giả bộ cắp giỏ đi chợ về, hô lên con nhà ai bỏ ở đây vậy đa? Rồi bưng về, nuôi tiếp! Anh lớn lên còng nhong chạy nhảy! Thấy vậy chớ con người sống âm thầm, như một chiếc bóng. Anh ngại tiếp xúc, cười cười nói nói vậy thôi. Đi Sài bốn năm, bỏ lên bản Rắc đi kinh tế mới, sáu năm sau quành ngược trở về, cầm tấm bằng kỹ sư xin vô cơ quan nhà nước, được non sáu tháng nhận quyết định chuyển công tác về Dầu Hạ. Ngại tiếp xúc nên người ta chỉ đi đâu anh đi theo đó, trong bụng cũng buồn vì định là sẽ ngơi lỏng chân rồi, không đi nữa, dè đâu cuối cùng cũng không được yên ổn ở lại với Bình. Những bữa Dầu Hạ mưa, buồn anh quành ra chỗ ngã ba chợ mua gói thuốc, ở đó có cô gái chủ quán mỗi bận gặp anh là ấm ớ! Anh lúc bình thường ít nói, sỉn vô rồi là câm như hến luôn!

-----------------------

lâu lâu là còn tiếp! Bây giờ thì Ton Phan về thôi, Dầu Hạ cho mình nhiều ý tưởng quá!

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Chỉ là ca cao sữa nóng

1. Cô 23 tuổi, tốt nghiệp loại Khá, trường Thương. Cô quay về nhà ngay khi ra trường, cụm nụm phụ nhà buôn bán! Sáu tháng sau cô xin đi dạy, kèm trẻ học tiếng Anh ngay chỗ trung tâm mới mở gần nhà. Cô cười hiền, con gái mờ, cần chi bon chen, với lại má cũng thích con gái của má không cần đi đâu xa, lẩn quẩn quanh chân má, là được. Cô cười trong bóng tối của quán cà phê sân vườn, ánh cười bẽn lẽn vờn mái ngói cong cong của căn nhà cà phê cổ. Nụ cười trong veo, tóc mây lượn lờ trong gió tối, quán cà phê nằm ngay giữa đồng không mông quạnh, nụm nịu chân người bằng cái hương đồng gió nội bữa ruộng vừa xạ mùi bùn còn ngai ngái! Cô cử nhân kinh tế tối nay hình như vui, cười suốt!

2. Cô kể đứa con nít, níu áo cô nói bằng cái giọng ngọng líu ngọng lịu. Cô ơi cô ơi tuần này con đi Phan Thiết. Bé gái học chung ngồi kế bên cũng ngọng líu ngọng liu xà qua, Phan Thiết là chỗ nào vậy bạn? Cô cười, ờ thì Phan Thiết giống Vũng Tàu đó, trong bụng cô thiệt tình cũng nghĩ vậy, mà Phan Thiết ở cái chỗ nào ta, chắc là cũng có biển. Thằng bé lớp mầm nói hông hông, chu mỏ lên, dễ thương ghê nơi, Phan Thiết hổng có giống Vũng Tàu đâu cô, con tôm ở Phan Thiết nó bự hơn con tôm ở Vũng Tàu đó! Mấy hôm sau cô còn cười, đi dạy góp nhặt niềm vui từ những điều nhoi nhỏ và giản đơn như thế!

3. Ly cà phê vơi theo từng câu chuyện cô kể. Ly cà phê là của anh heng, chớ cô lúc nào cũng là ca cao sữa nóng, xà quần mượn cái menu đặc khệt món vậy thôi chớ quay qua quay lại cũng là cái món nước đó, đi cà phê với cô mấy lần rồi, anh hiểu! Anh cũng cười, vì chuyện cô kể, bình thường qua môi của người khác chắc là cũng nhạt thếch bình thường thôi. Mà có làm sao qua lời cô, thấy nó hấp dẫn và tếu tếu quá trời quá đất! Vầy nè, thằng bé lớp chồi, má nó cho nó thanh chewing, ăn xong nó nuốt luôn, má hỏi tại sao, cầm cái vỏ lên, thằng bé nói: ăn chewing là ... nuốt. Má đánh, chiều lại đưa cho thanh chewing khác, cầm cái vỏ lên, thằng bé sửa lại: ăn chewing là... nhả hột ra. Cô kể chuyện hàng ngày cô sống, cô gặp, cô đi qua nhẹ tênh mà sao thấy cuộc đời nó thi vị quá, đơn giản và thi vị. Đôi lúc anh cũng thèm, có đứa con nhỏ, tập cho nó từng bước đi, lụm chụm lum khum mà vui. Có con nhỏ sẽ làm anh quên đi cuộc sống nhiều bon chen vất vả - hoặc anh tạm chấp nhận là - có con nhỏ thì mình vất vả, bon chen cũng vì con nhỏ mìn, hy sinh đời bố củng cố đời con vậy! Cô cười, thấy T. bận đồ này dòm trẻ quá heng. Anh bổ bả, vậy hả, thiệt không? Trời ơi T. già rồi, trẻ trung gì nữa?

4. Cô khuyên anh đừng nhậu nhiều, có hại cho sức khỏe. Chuyện của mình mình lo, mốt về già hối hận làm sao mà kịp! Cô tốt nghiệp trường Thường, mà sao thấy cô nhỏ nhẹ, thiệt tình, chơn chất quá! Bận nào cà phê về, cô cũng sẽ nhắn cái tin, cảm ơn T. đã mời cà phê heng (có mời cà phê đâu, toàn uống ca cao sữa nóng, hổng biết món đó có gì ngon không nữa, chắc là uống vô ngủ được!). Bữa cô làm anh hết hồn, vì lúc ra lấy xe, cô nói cảm ơn T. heng. Anh luống cuống, trời ơi lâu lắm rồi anh mới hết hồn như vậy, nhận lại tiếng cảm ơn mà thấy thương, thấy xúc động, thấy bổi hổi bồi hồi quá! Tình cảm chân thành lúc nào cũng khiến con người ta cảm động hết trơn hà. Chắc cũng bởi vì, một ngày hai mươi bốn tiếng anh dạ cám ơn, không có chi, anh chị vui lòng, xin lỗi... đầu môi chót lưỡi chắc cũng hết phân nửa quỹ thời gian ngày mất tiêu rồi! Nay nghe lại tiếng cảm ơn, mà thấy xa lạ mà thấy gần gũi mà thấy ngu ngơ bân khuân quá xá!

5. Đường cô về có mình ên. Chỗ ngã tư Hoa, cô quẹo, ngoảnh qua còn vói theo T. về cẩn thận heng. Anh cười, trời đất cơi xứ này mới tám giờ người ta đóng cửa theo con gà vô chuồng đi ngủ, thân gái dặm trường cô hông lo đi lo cho tui là sao là sao? Cô cười, ờ, tại cái tính giống mấy bà già, ăn chay trường, xức dầu cù là, không quen dặm phấn tô son đi dạy, không quen tối ngủ rửa sữa rửa mặt bôi kem dưỡng da nên đi đâu cũng gởi lời hỏi thăm, dặn dò con người ta. Lần này anh cười, trời, thời đại nào rồi mà cô vẫn còn giữ nguyên những nét tính tình như thế? Anh khoái quá!

6. Nhưng rồi khoái thì khoái chớ có biết làm gì đâu? Chỉ là lâu lâu rủ cô cà phê (nhưng rồi cô lại ca cao sữa nóng, đời nó định như thế!). Cô ăn chay trường, theo đạo Đài. Nói chuyện với cô thấy đời vẫn còn đẹp lắm! Rồi thôi!