Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Suối Nhím mù xa!

Chủ nhật tuần rồi bạn quày quả mình ên đi đảo Suối Nhím - một hòn đảo rộng gần 340 mẫu đất, nằm tềnh khênh giữa lòng hồ Dầu Tiếng, công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á - một niềm tự hào nhoi nhỏ của bạn về quê hương mình!

Chủ nhật trời mưa lâm thâm, thì tháng tám âm mà, bao giờ trời hổng nhõng nhẽo đụng vào là xịt nước. Đã lên kế hoạch đi, thì phải đi thôi! Đi vì sức mình còn dài, vai mình còn rộng và cả bầu trời này bạn muốn thu hết vào tầm mắt. Đi để tận hưởng nhịp đời qua từng bước chân trẻ, đi cho thỏa sức mình và đi cả cho người! Đường không quá xa để mắt bạn mờ đi vì từng cột cây số trôi qua trên đồng hồ km của chiếc xe máy cùi bắp, cũng chẳng quá gần đặng bạn thỏa thuê dòm những quãng ruộng đồng ngập trắng nước, con nít đi bắt cá đồng chạy tềnh hênh phơi cái bụng chang bang. Những chùm sim tím mọc tan nát bờ ruộng một quãng nào đó, những căn nhà ngói thâm nghiêm im lìm dưới hàng giậu phơi cây chùm nụm, buổi sáng cuối tuần trời ui ui, ngược hoàn toàn với lòng người trẻ ta đang phơi phới!

Dừng lại ở quán cóc ven đường đặng làm một tô hủ tiếu! Quán nhỏ mà bán đủ thứ món, như bưng hết cả cái chợ con con vào trong một vạt quán ven đường! Bỏ thêm vào tô một chút tỏi chua, cái thứ ngậy mùi mà nóng nóng làm cho bạn tỉnh hết cả người! Đồng nghiệp hoặc người quen gặp cảnh này chắc cười thúi mũi vì dân ngân hàng mà ngồi ơ hờ quán cóc - thiệt - là - cóc thế này mất! Nhưng vui, và thấy ngon!

Bạn không biết đường đến Suối Nhím đâu! Nhưng đường thì ở trong miệng mình mà ra! Chạy thẳng hoài hoài rồi đụng chân bờ kè của hồ Tiếng! Ngay chỗ ngã ba bạn cho xe chạy thẳng lên luôn! Thu vào tầm mắt là một trời nước! Lóng rày ngày nào cũng mưa, nên nước thôi là lênh láng! Ở đâu cũng là nước, chỗ nào cũng có nước!

Và rồi bắt đò đi lên đảo! Quãng hành trình ngắn bạn ra vẻ đáng thương, cong đuôi tội nghiệp rên rỉ thở than với mấy cô chú đi chung đò, con là sinh viên, đang định ra đảo đặng khảo sát để dịp trung thu này con với đám bạn đi tặng quà cho mấy bé thiếu nhi! Người ta thương, chỉ dẫn tận tình! Con đường ra đảo gập ghềnh xa ngái! Trời chuyển mưa ù ù, cái xuồng nhỏ xíu y chang như tấm lá vắt ngang qua một khoảng trời con! Ngồi trên ghe mà trong bụng mở cờ trời ơi vui quá, trời ơi khoái quá! Tuổi trẻ của ta phải là những khoảng khắc băng xuồng, lội ruộng, lên rừng, xuống biển như thế này!

Mưa đi kèm với bạn suốt chặng đường còn lại kể từ khi lên đến đảo! Cảnh vật thì hoang sơ thôi rồi, dòm qua quẩn lại chỉ có rừng, mênh mang những rẫy mì, độ chừng vài chục nóc lá, và thưa thớt tiếng người!

Dân trong đảo hầu hết đều biết đến nhau! Bước những bước đầu tiên lên đảo mà nghe tiếng lòng trai trẻ mình thổn thức! Trời ơi mình đã đến được với nơi này, với những hoang sơ rừng dại này! Cảnh đẹp và buồn đến nức nở hết cả lòng, y chang như trong một cuốn phim quay chậm nào đó! Cảnh đón bằng cái chòi lá đầu hè, nơi mà dân trong đảo túm bảy tụm ba đặng nghe radio, hoặc coi cải lương từ cái tivi rột rẹt chạy bằng máy phát! Anh trưởng công an ấp - thì chắc cũng tự nhận luôn thôi - cười khoe hàm răng phớ lớ với hàm râu quai nón mà nói chuyện ra thì lành như đất: đi hết nguyên đảo này được 3 cái máy phát đó chú em, thấy chỗ tui ngon lành không?

Chòi lá bưng ra vài nải chuối già, mấy trái cà trứng, vài cọng hành lá còng queo, dăm củ tỏi, mấy hũ đựng đường, muối, bột ngọt, bột niêm! Chái kế bên chất mấy thùng nước ngọt, và cái phin cà phê thì pha không mệt mỏi, phía ngoài cất ra cái chái, cụm nụm là ba bốn cái bàn tre, bắc thêm ba cái võng tòn ten lắc lẻo! Đảo buồn nhưng vui nhất chính là ở nơi cái chái nhỏ này! Chái đón khách đường xa, tiễn bạn đường xa cũng chính ở nơi này! Người quen trong đảo đi ra đất liền trong lúc chờ đò cũng thủng thẳng làm dăm ba câu chuyện nơi chiếc võng tòn ten! Người vào trong đảo đi qua cũng phải tạt ngang chào anh trưởng ấp một hai tiếng, hỏi chú hai đợt mì này trúng đậm không? Hỏi vợ chồng anh chị vô đây bao lâu rồi, cười phở lở vô từ hồi năm mười lăm mười sáu tuổi gì đó, mà giờ nhỏ con gái lớn nhất đã học tới mười hai rồi đa!

Bạn tranh thủ mần quen, hỏi thăm coi đảo mình được bao nhiêu cháu bé? Nếu thứ bảy, chủ nhật tụi nhỏ về thì được đâu chừng hai chục đứa, nhưng mưa gió cỡ này, chắc tụi nhỏ cũng ít về, trắc trở đò đưa quá mà! Hỏi ủa, bộ độ rày trong mình còn khó khăn nhiều như chục năm về trước không anh? Ảnh cười, mấy ông khách già trong quán nói vọng vô cho câu chuyện thêm rôm rả, nghèo chứ, nghèo rớt vàng, rớt kim cương không a!

Dân trong đảo khoảng mười năm trước thì cực, cực vô cùng! Đa phần đều có nhà ngoài đất liền, nhưng cuộc sống khăn khó lần mò dắt nhau ra đảo phát hoang làm rẫy, chủ yếu là trồng mì! Đất rộng thênh thang chia làm bốn ấp, từ ấp một đến ấp bốn tẻ đường rừng mà đi có khi một ngày còn chưa hết một vòng rốt đảo! Ngày trước dân trong đảo còn nhiều, trên đảo có một ngôi trường nhỏ, trường tiểu học, nằm te he bên những bạt ngàn rừng! Có bốn, năm thầy cô từ đất liền ra! Rồi chính quyền có kế hoạch di dời dân tái định cư, thầy cô bỏ đi hết, dân cũng rải rác còn lại vài chục nóc lá, trẻ em không còn chỗ để học, lần lượt rời đảo! Chỉ có cha mẹ chúng vẫn còn bám trụ lại cái thẻo đất mút cà tha này, mần rẫy mì!

Và nếu nói thẳng ra thì, dân đảo giờ không còn quá khổ như mười năm về trước nữa. Mía, mì, mủ, mãng giờ thành lợi thế cạnh tranh của Ninh mình mà! Dân đảo canh tác mì, mì cao sản, sáu tháng, tám tháng! Khi vô vụ thì ở suốt, có khi ba đến bốn tháng mới quày quả theo đò về thăm nhà ở trong đất liền! Nhờ cây mì mà nhiều hộ có của ăn. Và dù đảo buồn tênh hênh nằm ở cái chỗ mút chỉ cà tha cách trở đò giang nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ thẻo đất này! Con nít được gởi ra ngoài đi học, thứ bảy, chủ nhật trở về nhà! Âu họ cũng gọi đây là nhà, cặm sào, dù tạm bợ, nhưng vẫn gọi là nhà!

Bạn nhớ mãi cái nụ cười nhẹ tênh của một chị khi bạn ghé tạt qua nhà đụt cơn mưa ẩm ương khi lành khi trở. Chị vô đảo đâu bận hai chục năm về trước, lấy chồng trong đảo sinh con cũng ở trong đảo luôn! Cái chòi lợp lá trống trước hở sau, có cái giàn bắt giống kiểu lafone treo tòn ten một quày chuối chim nhỏ tí, xanh lét! Bạn ghé khi chị đang ngồi lột bao măng tầm vông, cái dáng ngồi còng queo giữa đảo vắng và nụ cười gọn lỏn khi bạn hỏi ủa rồi sống như vầy có buồn không chị? Buồn gì em ơi, tưởng em nhà báo vô đây chơi, ở đây nhà báo ghé hoài, cũng vui! Không muốn rời đảo vì sống lâu nó quen rồi, nó quen với cái buồn luôn rồi! Và làm rẫy mì thì cũng có ăn. Nhưng con chị thì sao? Chị con ba đứa, gởi nó ra ngoải hết ráo rồi! Con mình thì chắc ăn là không bám đảo rồi!

Đảo thì vắng và người thì ít! Bạn đi tiền trạm về mà bổi hổi bồi hồi! Trung thu này chắc bạn sẽ không đến với đảo, bởi nơi đó... có cảm giác dân cũng không đến nỗi thiếu thốn như bạn nghĩ! Và chắc ăn là còn nhiều chỗ cần mình lắm trên mảnh đất quê nhà này! Bắt đầu từ những điều đơn giản và nhỏ nhặt nhất, bạn hẹn Suối Nhím vào một ngày không xa sẽ trở lại, ăn chơi tơi bời tẹt ga cho thỏa thời trai trẻ! Trung thu này bạn đi mái ấm tình thương!

Đảo Suối Nhím ... một ngày mưa!

2 nhận xét: