Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Chợt nhớ kem của những ngày xưa!





Đã lâu lắc lâu lơ rồi không còn thấy thằng bé, trên dưới tuổi của tôi đẩy xe kem, màu xanh, lắc lư leng keng đi qua xóm tôi bán kem dạo nữa.

Kem, thiệt ra là tiếng gọi của lớp trẻ bây giờ, chứ như tôi rặt ròi của những ngày xa xưa, chỉ gọi toàn cà rem hay cà - lem mà thôi! Cà rem ướp trong thùng xốp, có đá giữ lạnh ngắt, cắn một ngụm, cắn hai ngụm với cả le cái lưỡi liếm khắp vòng trên vòng dưới là thành ra quá chừng ngọt ngon của cái thời ngây thơ nghe tiếng leng keng của cái chuông đồng nhỏ lắc xắc là xớn xơ xớn xác xin cha, xin má hai trăm, năm trăm đồng xách quần ù té chạy. Vui vậy đó! Mà cái nắng ngày xưa không heo hắt, không nực nội như bây giờ, mà cây cà rem lúc nào cũng thấy ngọt lành, mát rưởi, đặng thổi mát cả một thời tuổi thơ khốn khó chìm nát trong lớp lớp những niềm vui!

Con nít khoái cà rem, cái này in như thời nào nó cũng là như thế. Kiểu như má tôi bật tivi thấy phim Đài Loan có hai cái bím (ý chỉ những phim của Quỳnh Dao có nhơn vật nữ chính thường thắt hai cái bím tóc) là thể nào cũng coi sống coi chết. Kiểu như cha tôi dù coi Việt Nam đá banh thua xiển liển nhưng vẫn cứ canh chừng ngày báo ra đặng đọc điểm báo, rồi canh giờ phát sóng coi ngọn ngành từ lúc bình luận trước trận đấu cho đến bình luận giữa giờ và còn nuối tiếc đến cả những lời bình sau trận. Cái chân lý con nít khoái cà rem với tôi nó thực và gần gũi như những thói quen của cha, của má, hiển nhiên và gần gũi, bình dị đến không ngờ!

Thì bởi nhà tôi gần cái chỗ làm cà rem mà. Nhà đó cách ba ngã tư, trước nhà không có hàng rào hàng kẽm gì hết ráo, nghề nghiệp tư gia in như là làm kem. Nói theo kiểu ngôn ngữ tân thời có học như bọn tôi bây giờ là kinh doanh hộ gia đình, cơ sở nhỏ lẻ, manh mún. Hàng cà rem chỉ độc hai loại, cà rem nước dừa với cà rem đậu đen. Hai loại đó, đơn giản mà hầu như ngày nào tôi cũng thèm ăn. Cả đám mê mẩn thường ráng ngày nào cũng để dành tiền đặng chờ thằng nhỏ đẩy xe đi bán ngang nhà rồi ngoắc vào thằng làm một cây xì xào xì xụp mà liếm, vui lắm!

Cái cơ sở làm kem đó, còn kiêm thêm cả nạo dừa. Thì cũng đúng thôi, làm cà rem nước dừa, chuyên nghiệp hóa một chút thì phải trang bị cái motor nạo dừa bằng điện, chứ chả lẽ ai lại đi xài cái bàn nạo dừa bằng sắt đen, mỗi bận rột rà rột rẹt nạo đến phồng tay công suất vừa thấp vừa không hiệu quả cho đặng. Lỡ trang bị rồi thì mở rộng đa dạng hóa sản xuất bằng cách nhận nạo dừa xỉ và lẻ. Dân nhà quê lâu lâu nấu chè, mần bánh đám giỗ, gói bánh cấp bánh cúng nhơn dịp đại tường, tiểu tường, quờn kinh... đều xách dừa trái thọc trong vườn nhà bưng tới chỗ làm cà rem đó đặng nạo giùm. Nói nào ngay đâu phải nhà nào cũng có bàn nạo tay đâu ta!

Trở lại chuyện thằng bé bán cà rem ngày ngày chăm chỉ đẩy xe cà rem màu xanh dương đậm đi tềnh tang khắp làng khắp xóm bán cà rem nhé. Thằng đấy chắc cũng xấp xỉ tuổi tôi thôi, nhà đồng chí ấy đông anh em. Cha má hắn cấp cho mỗi người một cái xe, đẩy đi bán khắp các nẻo đường quê thôn xóm. Những năm hắn đi bán cũng trên dưới một chục năm trước. Tôi ăn cây cà rem của hắn từ thuở chưa nhổ giò, chưa vỡ tiếng cho đến lúc mặt tôi và hắn đều dề dề u cục mụn mới lớn. Đi qua đó là biết bao nhiêu đôi dép của hắn mòn khắp lối, và đi qua đó là rất rất nhiều niềm vui con trẻ khác mà tôi có, trong khi, hắn mỗi bận chắc chỉ toàn dòm tụi tôi chơi mà lẳng lặng đẩy xe cà rem đi!

Hơn sáu, bảy năm gần đây, không còn thấy hắn nữa. Thằng nhỏ bán kem đó đã lớn. Lúc thành niên đổi tính, không còn hiền lành, chân chất nghe lời cha lời má mà ngày ngày đẩy xe kem đi bán nữa. Trong trí nhớ lâu lơ lắc của tôi là hình ảnh một cậu trai để mái dài, loe hoe những bợt màu của thứ thuốc nhuộm rẻ tiền dòm y chang đám lục lâm thảo khấu lưu linh lưu địa. Hắn vẫn đẩy xe cà rem đi nhưng thời điểm đó, kiểu như từ kem đã phổ biến hơn từ cà lem cà rem rồi, và ít người còn mua cà rem nước dừa, cà rem đậu đen cho con người ta ăn nữa. Rồi nghe nói hắn bỏ nhà đi lưu linh, nhà đó con cái cũng lớn lên, vợ chồng con cái cũng không còn bán kem nữa, bán nhà, bán đất đi nơi khác. Không còn cái nhà bán kem nữa, địa điểm nạo dừa mướn coi như vất đi. Mà cơ hồ giờ cũng ít nhà nào nấu chè mà chịu khó xách cây, trèo cây hái dừa rám, rồi lột vỏ, rồi bưng đi cho người ta nạo. Chẳng thà bay ra chợ mưa đường, đậu sẵn ghé mua luôn dừa nạo sẵn, hoặc tiện hơn mua luôn bịch nước cốt dừa đựng trong bọc giấy kín dạng fast food tiện lợi đem về nấu. Vì thế, mà cái xe cà rem cùng thằng bán cà rem sàn sàn tuổi tôi nó biến mất tiêu. Lâu thiệt là lâu!

Nói cà rem ngày xưa ngon là nói xạo! Thiệt tình, vì kem không đông cứng, ăn cứ xồm xộp xồm xộp và cơ hồ ăn chậm là chảy tè le tét lét. Nhưng với tôi, ngày xưa là hết thảy, kiểu như thèm là ăn hết, ăn tất, ngày đó là ngon, bây giờ nghĩ lại là thấy thương chứ không phải cái cảm giác ngon lành ngọt mát nữa. Tôi lý trí như thế, cho nên cảm thấy tiếc nó cứ ăn dần ăn mất những ngọt ngon tuyệt cú mèo của những cây kem, viên kem thời bấy giờ. Dù là kem của cửa hàng nước ngoài nổi đình nổi đám trên Sài hay ở một góc quán nhỏ nhỏ nơi Ninh nhà! Âu cái tư tưởng già đầu rồi mà còn kem kiết nổi gì đã tràn ngập trong tâm tưởng tôi rồi!

Và bữa nay tự nhiên nghe leng keng tiếng của chiếc chuông nhỏ bán cà rem chạy qua trước ngõ. Ông già đó bán kem cũng mấy chục năm rồi, nhưng tôi không hảo kem của ông bác ấy, kem bở và ngọt ngơ ngọt ngắc. Và nhớ lại xe kem ngày xưa của thằng bé sàn sàn tuổi tôi, chả biết giờ hắn lưu lại nơi đâu, chả biết có còn nhớ có một quãng ngày xưa hiền lành ngày ngày đẩy cà rem đi bán. Ông già bán cà rem leng keng xe đạp cũng như thế, mấy chục năm rồi vẫn đi bán kem. Ngày nào đó ông không còn chở thùng cà rem đi được nữa, liệu tiếng chuông kia có còn ai nhớ tới!

Hơi, bé em của tôi chỉ biết mỗi kem Merino bảy ngàn một que trúng điện thoại Nokia thôi! Nó ăn hoài chờ hoài đặng trúng điện thoại đấy! Cơ mà con nít mới học lớp sáu mà đã mộng xài di động rồi cơ à! Để tiếng chuông đồng leng keng trôi tan nát những buổi trưa thèm ngơ ngác một cây cà lem hình tròn tan nát!

Leng keng! Leng keng!

6 nhận xét:

  1. Mấy cái ông nói ở quê tui còn hết, cái gì cũng còn, có ông bán cà lem từ hồi tui chưa biết nói tới giờ lâu lâu vẫn còn leng keng qua nhà tui mà người ta cũng ăn rần rần. Còn nước cốt dừa, ở tui nhà ai có cây dừa thì có hái xuống, tự nạo rồi đem vắt thành nước cốt, như cái bàn nạo dừa nhà tui, ít đâu cũng 20 con trăng rồi mà vẫn k cần "bảo hành", vẫn nạo ào ào như ngày nào. Những gì đã đi qua, dù mình không còn thấy, k còn nghe nhưng biết đâu ở đâu đó nó vẫn đang hiện hữu và vẫn như ngày nào. Không có cái gì là không còn, chỉ là còn nhớ hay đã quên thôi. Tui nghĩ vậy đó :)
    Tác giả: đọc chắc cũng biết là ai rồi

    Trả lờiXóa
  2. Ui, lâu quá mí thấy bạn còm nha! Hồi xa xưa cái nhà bán cà rem rần rần luôn, bi chừ nghỉ bán rùi bà ui!

    Cái bàn nạo dừa thì cũng không đến nỗi hiếm, nhưng nói chung sớm muộn rùi cũng sẽ bay đi mất tiêu thui!

    Có cái này còn độc hơn, bàn ủi con gà. Ha ha, giờ này chắc ít nhà nào còn cái này!

    Trả lờiXóa
  3. Bản ủi con gà nhà tui hồi xưa cũng có nữa nè, hehe. hỏng có bự như mấy cái bàn ủi bây giờ, mỗi lần ủi phải bỏ mấy cục than vô cho nóng (hỏng bik phải của bàn ủi con gà hok, chỉ nhớ hồi đó ủi đồ có cái bàn ủi phải bỏ than nóng rần rần) mới ủi đc. Mấy cái đồ đó cái nào tui cũng kinh qua hết rồi, nhờ vậy mà bây giờ còn cái để mà nhớ lại, chứ bây giờ cái bàn ủi đó hong còn nữa rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Ha ha, nó đó nó đó! Do cái chốt của nó hình con gà nên gọi là bàn ủi con gà. Mỗi bận muốn ủi đồ là phải múa lửa tùm lum bà ơi. Mà nhà tui chuyển qua xài bàn ủi điện lâu lắc rùi!

    Độ rày bà sao ha?

    Tui không xài facebook nữa nên nói chung chả có tin tức gì của các chiến hữu hết!

    Trả lờiXóa
  5. Ngay ấy bây giờ đâu còn nữa ...
    Que kem tí tọe thơm lừng sữa
    3 đồng xin mẹ tung tăng phố
    Ăn hoài không chán ... nhớ ngày xưa !

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là ngày ấy bây giờ đâu còn nữa ạ!
    Thích thơ của bạn!

    Trả lờiXóa