Nhà cô hai tôi ở ấp Chợ Cũ 2, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Ngôi nhà ấy nấp dưới miên man nào là rừng điều và mấy rặng tre gai kêu cò ke cót két. Nhà cổ, thuộc loại nhà từ đường do bên phía nhà chồng, dượng hai cũng thứ hai. Nhà ngói ba gian, phía trước có mảnh sân gạch tàu, xung quanh là vườn điều, phía trước có hàng cau, phía sau là vườn tiêu, trong cái vườn rộng bạt ngàn đó là cây chùm quân, là cái giếng có tay quay hồi xưa lơ xưa lắc - đặng múc nước tưới tiêu, có dây sương sâm (viết đúng không ta?), có mấy cây mít ướt... Hồi những năm trước, hè tôi hay được ba má cho về nhà cô hai ở chơi tuần hai buổi. Giờ không còn được nữa nhưng ký ức về khu vườn rựng mát đó, cứ âm ỉ hoài trong tiềm thức!
Hồi trước giải phóng, dượng hai đi bộ đội - phía bên kia đấy, lên tới đất Tây Ninh, đụng cô Hai tôi, rồi gặp nhau, rồi thương nhau, rồi cưới. Cô hai theo chồng về đất thép thành đồng, nơi mà chỉ cần sủi đất lên là thấy sắt làm dâu! Nhà cô hai do dượng hai là con trưởng nên được hưởng nhà thờ tự, ngôi nhà ngói ba gian rộng ơi là rộng, có mấy cây cột láng bóng giống như mấy phim thuở xa xưa của Hồ Biểu Chánh này nọ, và đặc biệt là khu vườn, một khu vườn mà đủ để cho tôi ngái ngày cũ dù đến hết đời này vẫn cứ nằm mơ mà thao thức!
Đất nhà cô Hai rộng lắm, trên mảnh đất đó có ngôi nhà cổ, rồi có dư đất cho ba người con của cô cắm sào dựng nhà và trẩy những tổ ấm cho riêng mình. Vườn tược rộng thênh thang, thêm tính dượng Hai khoái mần, khoái dọn dẹp, canh tác nọ kia, nên lúc nào cũng xanh um!
Thời điểm chuyển tiếp sang thế kỷ mới, tức mười năm về trước, nhà nhà đều chuyển đổi canh tác đốn ngã tiêu, điều đặng trồng những loại cây khác, nhà cô Hai tôi lại khác, đất vườn ông bà để lại, đến chết cũng không đổi thay. Trước nhà cô trồng điều, đâu khoảng ba, bốn chục gốc, cây nào cũng bự một vòng tay ôm, nhà khỏi phải mua củi vì trưa hè đứng gió mấy đứa con nít hè nhau ra gom vài mớ cành, nhánh điều khô bưng vô là chụm được cả tuần, năm, sáu buổi. Tôi thích cây điều lắm! Trái điều màu vàng, màu đỏ, có mùi thơm thơm, gay gay mũi. Lấy cây thọc trái điều bay xuống đất, lớp vỏ mỏng manh dễ bị đất, cát làm cho trầy xước, mất đẹp, mất ngon. Tôi khoái nhất những trái điều mọc là xà dưới đất, được cái là cây điều cành nhánh nhiều, mọc gần mặt đất. Bẻ một phát trái điều thơm phức, cắn một ngụm hoặc chấm muối ớt, muối trắng cũng được luôn. Cái vị bình dân thanh lãnh khó nhớ nhưng cũng chả lẫn vào đâu! Ăn điều sống cẩn thận kẻo mũ điều dính vào áo, giặt không ra. Dòng cái thứ mũ điều, là trằn ăn khó giặt!
Không thì đem trái điều đi chiên xào nấu nướng, cũng ngon! Điều đem đi làm thức ăn thường chọn trái còn sống nhăn, ăn mới có vị, chớ mà điều trở mình hường hường rồi thì khi nấu lên nó mềm mụp, nhão nhẹt, dở lắm! Điều đem vắt cho ráo nước rồi kho với xả, hoặc đem nấu canh chua, đều ngon! Chỉ có điều, ngày xa xưa lúc thiên hạ đổ xô nhau đi chặt điều, lúc nào tôi cũng có điều để ăn. Mà giờ đây điều được giá, ra chợ có còn bao giờ thấy điều nằm tênh hênh chờ người đến mua nữa đâu! Hay là giờ đây người ta đã quên mất tiêu thứ cây trái tưởng như vô dụng mà thành ra một trời thương nhớ của ngày xưa nữa. Tìm, mà không thấy!
Và điều đáng giá nhứt là hột. Hột điều đem lùi than nghe cái mùi dầu hăng hắc, cầm cục gạch đập bùm bụp vỡ ra cái tim bên trong bùi bùi ngọt ngọt, quẹt cái mặt tèm lem khói, tèm lem than mà mót từng miếng, từng miếng ăn ngon thấu trời. Hột điều thì giờ cũng được liệt vô hàng xa xỉ, xuất khẩu đi khắp các nơi. Chỉ nhớ mấy lần cùng mấy đứa cháu nội ngoại của cô Hai canh me rừng điều nhà người ta xả giàn vô mót từng hột đem về nướng, nhớ lắm!
Vườn nhà cô Hai phía sau có cái giếng, có tay quay! Cái giếng đó nhà ít xài, chủ yếu để dượng hai tưới tiêu sau trước! Bên hông cái giếng là cây chùm quân (hay bồ quân). Trái này trước khi ăn phải bóp cho nó mềm ăn mới ngọt. Và xung quanh đó là mấy chục gốc tiêu, tiêu đen (hồ tiêu) cũng có mà tiêu lá lớp (oái, tôi quên mất tên loại tiêu này rồi!) cũng có. Giờ thu nhập chính của cô dượng là mây chục gốc tiêu này! Hồi trước cô có trồng trầu nữa, nhưng giờ dẹp mất, có điều mấy hàng cau vẫn còn, quầy cau kẽo kẹt, tàu cau rụng xuống cho tụi nhỏ làm phu kéo mo cau!
Nhà người ta thì lên phố, lên tấm, hai tấm nhưng nhà cô Hai là nhà thờ, mái ngói ba gian cơ hồ như thời gian qua đi năm dày tháng dày vẫn cứ như thế. Phần vì nhà rộng, phần vì đất rộng cấp cho mấy người con đất đai ra riêng đủ đầy hết nên không có chuyện tranh giành quyền sử dụng đất. Dượng hai cũng rảnh, thì ngày xưa đi chế độ cũ giờ giải phóng rồi có thể mần được chuyện gì đâu, nên lấy chuyện chăm mảnh vườn rộng mát quanh nhà làm vui!
Thế nên mỗi năm ghé nhà cô chơi là thấy có cây này, trái này bưng lên làm quà cho con cháu! Khi thì trái bưởi bự như cái thúng - giống bưởi này dượng phải lặn lội tuốt ở Đồng Nai xin về trồng, giờ nhân giống trồng khắp cả xóm! Rồi cả cây trường mé cuối vườn trái chín đỏ cả trời, thứ trái chua chua ngọt ngọt này âu bây giờ chỉ có nước lên rừng kiếm mặc may mới có! Và cả cây trâm bầu lớn chung với tôi đến bây giờ chắc cũng tày nửa vòng ôm, trái chín tím rịm! Và còn nhiều nhiều cây cối khác, mà chỉ có người chăm cần như dượng hai tôi mới bưng khắp nơi về để trong khu vườn mình!
Nhà cô hai tôi có một khu vườn, và đất và vườn đã làm thành một tôi trưa ngồi gác tay lên trán mà mơ về những trái điều, bụm trâm bầu, chùm trường chín đỏ, hoặc một la tiêu hăng hăng nồng nồng mà thương, mà nhớ lắm!