Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Năm mười - Của nhớ và xa....

Bữa vô tình dành một phút để xem chương trình "1 phút có trong sự thật" - những hình ảnh ngắn, những thông điệp ngắn, về những không gian chật hẹp tù tùng nới phố thị bây giờ đã vắng bóng đi những tiếng cười con trẻ, những bước chân tuổi thơ ngang tàng bên những quãng vắng! Trò chơi năm mười hiện lên trong tiềm thức qua một phút phim ngắn ngủi để thấy rằng trời đất cơi sao con nít bây giờ, đủ đầy no ấm đấy mà cũng thiếu thốn quá chừng đấy! Đã quá lâu rồi không còn thấy tiếng trẻ nhà ai ơi ới gọi nhau, tìm nhau trong những trời chiều chạng vạng rủ nhau chơi năm mười. Mà đó, là cả một tuổi thơ tôi dậm dài cho tới lớn!

Năm mười - trò chơi đơn giản mà vui nổ trời, lẽ thường, là trò chơi phổ biến và được lũ con nít tôi khoái nhất. Luật chơi đơn giản lắm, một đứa chăn - ôm cây cột đếm năm, mười, mười lăm cho đến một trăm (sau này lớn lên, hơi dài ra, lại bắt đầu tăng lên, đếm tới hai trăm, đặng đủ thời gian mà đi tìm chỗ núp!). Những đứa còn lại, trong khoảng thời gian từ năm đến một trăm / hai trăm đó, ba chân bốn cẳng hú hí rủ nhau đi núp, núp càng khó tìm, thì thằng bị chăn kia càng chăn đừ! Luật còn chơi cứu, tức theo sau câu đồng dao - chín lăm, một trăm - đứng xa ba bước bắt tử nhất chăn, thì theo thứ tự đứa nào bị bắt đầu tiên, sẽ là người tiếp theo chăn cho tụi kia trốn. Nếu trong đám đi trốn có đứa không bị bắt, nghĩa là còn sống, sẽ được quyền cứu bất kỳ đứa nào trong bọn! Càng nhiều đứa sống, thằng chăn càng đừ!

Chơi năm mười đơn giản, càng đông càng vui! Thế nên, có khi cả xóm gần mười lăm hai chục đứa chiều chạng vạng trời là rủ nhau ra lộ cái chơi năm mười, chạy thả trời thả gió thả cửa, thả lốp ngốp những tiếng cười trẻ thơ bay ngang tàng trong cái khoảng không gian đường cái ít xe, ít người qua lại!

Không kén người chơi như những trò chơi khác, phải đợi lớn lên tí nữa thì anh chị mới cho chơi (như ống thụt - con nít con nôi mà súng ống cái gì - anh tôi hay đá đít tôi, biểu đi chỗ khác cho ổng mần ống thụt, sợ mạt cưa bắn ra văng vô mù mắt), như bắn nạn ná - lạng quạng coi chừng banh con mắt, như chơi keo - bao giờ tay mày dài ra thì cho mày chơi, tay ngắn ngủn, sao mà bắt người ta được... Năm mười chỉ cần biết chạy, là cho chơi tuốt! Từ đứa lớn tồng ngồng mười lăm, mười sáu tuổi, đến đứa con nít bốn, năm tuổi đang giữa đường chạy trốn té cái rật, đứng lên, kéo quần tuột tới đáy, chạy tiếp, mũi dãi chảy lung tung! Trò này là thế, càng đông, càng vui!

Do tính chất đứa tìm - đứa trốn, nên chơi năm mười, thường lại gắn liền với những câu chuyện ma. Kiểu như tụi bây liệu hồn đừng trốn trong góc kẹt, trong hốc bà tó, sau thân cây cô quạnh tịch liêu có một mình ên không ai biết, là coi chừng bị ma bắt. Tuổi thơ đứa nào cũng dấu in ký ức về những buổi trưa cả đám tụ tập ngoài đường hẻm, rì rào rì rầm truyền tai nhau nghe những câu chuyện liêu trai hồ ma quỷ quái, con nít trốn chỗ tối bị con ma lưỡi dài le lưỡi liếm, đi vô rừng bị ma bắt cho ăn bún, cho ăn bánh mà tỉnh ra là ăn giun với ăn đất. Những câu chuyện như thế nhập vào với trò chơi năm mười thành thử ra hòa vào nhau, làm cho trí óc trẻ thờ càng khoái tợn. Vừa mang tính phiêu lưu - cho đứa nào chơi giỏi, gan lanh thì tìm chỗ nào khuất người khó kiếm mà núp. Nếu chơi năm mười vào buổi tối còn ác chiến dữ. Đứa nào cũng sẽ bu nhau núp cùng một chỗ, rồi nhát ma, rồi này rồi nọ đủ thứ! Để rồi cài chân thể nào cũng sẽ dính đầy đất cát, tối đi ngủ từ cổ cho tới nách cho tới chân tay đều đầy mồ hôi! Tối sẽ ngủ ngon, trong giấc mơ sẽ không có con ma nào tới bắt, bởi một tối chạy nhảy thôi rồi mà!

Này, chỗ tôi còn có thêm chơi năm mười tạt lon / tạt bóng / tạt bưởi! Thì cũng sẽ có một đứa chăn đấy, những đứa còn lại sẽ chạy đi tìm chỗ trốn. Nhưng không cần một cái cột, một thân cây làm trụ đâu! Chỉ cần có một cái lon gô sữa bò, một trái banh bằng nhựa, một trái bưởi đèo chơi đá banh xong thừa ra! Rồi vẽ cái vòng tròn, đặt vô giữa, giống trò tạt lon đấy! Sau đó thì đại diện phe được chạy đi trốn, lựa thằng nào mạnh con, sức khỏe tí, lấy hết sức bình sinh mà đá trái banh, quăng cái lon, đá trái bưởi đi xa thiệt là xa rồi cả đám ù té chạy đi núp. Đứa chăn thì ba chân bốn cằng chạy đi lượm trái banh về, đặt lại vô vòng rồi bắt đầu hành trình đi tìm chỗ mấy đứa kia núp. Thấy đứa nào thì tức tốc bay tới cái vòng tròn gõ tùm tùm ba cái vô cái lon đồng thời xưng tên xí thằng A, con B, bé C... núp đừng sau x,y,z... Vậy đấy, một biến thể của năm mười kết hợp với tạt lon mà thành ra một trò chơi vừa vui vừa lạ! Thông thường trò này lâu lâu tụi con nít tôi mới bày ra chơi, sau khi chơi tạt lon, đá banh chán. Và thường chơi vào lúc trưa, không giống như kiểu năm mười phía trên, chơi vào buổi chiều hoặc tối. Âu cái nào cũng có chỗ giống nhau là... càng đông thì lại càng vui!

Một biến thể khác nữa của năm mười, mà tôi chả biết rằng ngoài đám con nít chỗ tôi ra, chỗ khác có ai đã từng chơi hay không: năm mười đắp mền. Nghe cái tên vui vui, ngộ ngộ quá chừng mà. Thì cũng sẽ là tìm và bắt những đứa trong bóng tôi thôi, nhưng bóng tối ở đây được bao trùm bằng một cái mền bự, trong đó là ba bốn năm đứa con nít - toàn là anh chị em trong một nhà! Và đứa chăn sẽ ở vòng ngoài, sờ soạng lung tung dùng thính giác, tri giác tất cả mọi thứ mà lần ra danh tính của những đứa đang núp trong chăn đó! Trò này thường chơi không lâu, chừng ba bốn hiệp là chán, chơi lại ít, vì một cái mền một cái giường làm sao mà chứa cho nổi cả chục đứa con nít bò lê lăn toài trên đó. Nhưng được cái, anh chị em trong nhà, cũng nhờ đó mà tình cảm thêm gắn bó. Năm mười đắp mền, thôi thì cũng chắc là đặc sản của những nhà đông con, hoặc của những gia tộc đông đúc anh chị em con cháu. Để mỗi bận giỗ quảy, ngoài những giờ chạy lăn tăn xách tàu chuối bày trò quánh trận giả, chơi tạt lon, chơi keo... chán chê, lúc lên giường hau háu rủ nhau chơi tiếp. Con nít mà, chỉ có niềm vui là bất tận chứ nào có biết mệt, biết mỏi là gì đâu!

Rồi thì tôi cũng lớn lên, lũ trẻ nít chung xóm, anh chị em cùng trang lứa cũng lớn lên. Không đi xa, nhưng rồi thì dĩ nhiên đến một tuổi nào đó, những trò chơi trẻ thơ sẽ mãi mãi chỉ còn là hoài niệm! Và nhớ, và thương và lâu lâu đem ra tiếc! Con nít bây giờ không biết cò còn chơi những trò chơi thơ dại ngày cũ hay không nữa! Đấy, là cái mà những người ngai ngái ngày cũ như tôi, cảm thấy tiếc nuối nhất!

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Kinh nghiệm làm khóa luận tốt nghiệp... Số 2

Ối ối hổm rày bản tự kỷ quá, chả hiểu sao đề tài thì cứ đầy ong óc mà chữ rơi ra chừng nửa trang là tắt tị, bản thiệt là bực bội mà! Đành trở lại với đề tài trước đang dang dang dở dở vậy! Chấm cái nhỏ là bản đã tạm không xài đến facebook được một tháng rồi, hy vọng là bỏ được luôn, vậy nên bà con nào có liên lạc với bản thì tốt nhất là cứ gọi trực tiếp, còn không thì thôi! Cái bờ lau này cũng đang trên bờ vực bị bản bưng vô vất trong xó, gì cái gì thì bản cũng chả biết! Lầm bầm ba chấm đủ rồi, giờ thì tiếp tục vì các đàn em FTU thân yêu mà chia chia sẻ sẻ kinh nghiệm làm khóa luận tốt nghiệp vậy!

Và đừng quên bài số 1 ở cái chỗ này!

1. Về số liệu

Nỗi lo lắng trường kỳ kháng chiến của các đồng chí khi làm khóa luận, đó chính là... số liệu! Dĩ nhiên rồi, phải có bột mới gột nên hồ, có thể nói số liệu chính là cái sườn cốt làm nên nội dung bài viết á! Có số liệu, thì mới dễ dàng mà tung tung hoành hoành, phân tích, dự đoán, đưa ra kết luận thế này, thế nọ, thế kia. Số liệu có nhiều, thì có thể tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau, số liệu ít thì dễ rơi vào tình huống lẫn quẫn, bài làm không phong phú. Phong cách của các thầy cô trường FTU2 bọn mình là rất thích nhiều số liệu, các bạn nhớ nhé!

Thế thì làm thế nào kiếm được số liệu đây? Có một số nguồn như sau: đến tận nơi xin số liệu, ví dụ: làm đề tài xuất nhập khẩu, khảo sát ở một số công ty, thì đến các công ty đó xin, chỉ định dành cho đồng chí nào có mối quan hệ sẵn có, chứ nếu không, bộ điên hay sao đi bưng số liệu cho không trời. Hai, lên mạng tìm, các bạn nên nhớ là, kho đề tài trên mạng cực kỳ nhiều, vô các trang như khoaluan này nọ kia là thể nào cũng sẽ gom được một mớ khóa luận về, tốn tiền, và phải chỉnh sửa lại, nhưng số liệu nói chung cũng không thiếu. Ba, lặn lặn lội lội đi mua số liệu, khóa của tôi, nghe bảo có đồng chí chi ra hai chai rưỡi đặng mua số liệu đấy, thông tìn này chính thức, do bạn thân thân thân của đồng chí ấy tám với tôi, coi bộ cũng đầu tư công phu dữ heng! Bốn, tự bịa, cái này là trường hợp của tôi: nghĩa là không có quan hệ máu mủ chi hết, lại làm biếng vác thân vác xác đi xin số liệu, lên mạng tìm các đề tài thì lại không có. Tạm thời có bốn nguồn tìm số liệu như trên, ai có nguồn nào khác, thỉnh giáo!

Nói chung số liệu đứng dưới góc độ của người sinh viên, thì quan trọng. Nhưng đối với người chấm khóa luận, thì lại không quan trọng lắm, vì thứ nhất, thầy cô chả rỗi hơi mà cũng không thể nào kiểm định được số liệu của bạn có cơ sở khoa học hay không, thứ hai: số liệu không quan trọng bằng cách bạn xử lý số liệu như thế nào, có logic và khoa học và hợp lý và không mang tính cá nhân của người viết hay không. Thật sự là như vậy, tôi có theo dõi một số hội đồng, rất ít khi phản biện đề cập đến vấn đề số liệu có chính xác không, mà nếu có thì chỉ có trường hợp bạn xử lý số liệu vô lý một cách trầm trọng, ví dụ như một chỉ số gì đó đó mà năm này qua năm khác bạn cho tăng giảm vô tội vạ mà không thể giải thích lý do biến động, vậy thì tiêu đời nhạn em rồi. Thế nên, nếu như các bạn không tìm được số liệu, thì cứ sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học là dự đoán, và cứ đoán thế nào thì đoán, miễn đảm bảo bạn đoán ra được cái nguồn hợp lý một tí, và sự biến động của các nguồn số liệu qua các năm trong thời kỳ nghiên cứu nó có não một tí, nếu có biến động thì vui lòng đừng quá cao hoặc quá thấp, tránh trường hợp bị hỏi thì đú đớ, chết!

Nói chung số liệu bài của tôi là lấy số liệu của 10 năm trước nhân lên 10 lần cộng trừ nhân chia và ráp cái nguồn trời ơi vô nhưng cuối cùng cũng không bị nhắc nhở gì hết! Bạn tôi khá là ngưỡng mộ tôi ở cái điểm này!

2. Về tầm quan trọng của hình thức trình bày:

Chỉ có thể nói là cực kỳ quan trọng! Trường mình cơ bản có một bản hướng dẫn trình bày rất là chi tiết, không thống nhất giữa các giáo viên (mỗi giáo viên hướng dẫn có một bản khác nhau, nhiều khi mình làm theo cái này, khi ra hội đồng lại bị bắt chẹt, thì im thôi chứ biết làm sao!). Nhưng nói chung, tôi thấy những điểm không thống nhất cũng không quan trọng lắm, những điểm cơ bản thì các bạn cần phải nắm, đừng để bị dính thì đảm bảo được điểm trình bày!

Tại sao trình bày lại quan trọng? Thứ nhất, giáo viên hướng dẫn của bạn, sẽ có một cái note cho mỗi đồng chí mà thầy cô hướng dẫn, mang tính định hướng cho người chấm khóa luận của bạn! Nếu như bạn tạo ấn tượng tốt với thầy cô (luôn nộp bài đúng hạn, cách cư xử nhã nhặn, đúng chừng mực và không quá phận, hiểu ý thầy cô... nói chung là đắc nhân tâm!) thì trường hợp bài của bạn nội dung không được xuất sắc lắm, nhưng bù lại hình thức lại đẹp, đúng, chuẩn, thể nào cũng sẽ được thầy cô cho còm tốt! Cái này kiểu như trông mặt mà bắt hình dong vậy đấy! Thứ hai, trình bày chiếm đến 2 điểm trong tổng điểm đấy! Bạn trình bày tốt, được 2đ, nhưng trình bày xấu, cứ một lỗi lại đem ra trừ từ từ, mà sai chính tả, viết tắt không đúng quy cách, lỗi ở cái tên đề tài (xuống dòng vô duyên...), bảng biểu sai, mục lục không khớp nội dung, tài liệu tham khảo không chuẩn (cái này cực kỳ khó, vừa theo tên ABC, vừa có nhiều điểm lăn tăn, tôi bỏ luôn cái tài liệu tham khảo, cuối cùng, bị dập te tua!). Thế nên, nếu bạn muốn ăn điểm, trước tiên, phải chăm sóc cho cái hình thức bài của mình, dù gì dòm vô thấy bài làm chuyên nghiệp, xuống tay cũng thấy thoải mái hơn! Kinh nghiệm để hình thức trình bày đẹp, tốt nhất là trước khi bắt tay vào type trên máy tính, làm ơn quán triệt hết tất cả những quy tắc, lưu ý trình bày. Vừa làm vừa chỉnh luôn, đừng nên để tới lúc cuối cùng mới bắt đầu sửa trình bày, vừa lập cập, dễ bỏ sót, lại còn giữa chừng làm biếng bỏ luôn giống tôi trong cái tài liệu tham khảo á! (tôi làm danh mục tham khảo vào đêm cuối trước ngày nộp, hậu quả là tôi bê nguyên cái danh sách tên phóng viên của bạn tôi vô, đường link các trang tham khảo thì tè le, nói chung thấy ghê lắm!)

3. Các công việc cần chủ bị trước ngày bảo vệ:

Về lý thuyết thì bà con được bưng bê hết thảy các tư liệu, tài liệu lên để nhằm đối phó với các câu hỏi cảu hội đồng. Nhưng tình hình là khi bảo vệ thì bạn không có đủ thời gian để đọc sách và tìm ý trả lời đâu, và nhiều khi, việc bạn trả lời câu hỏi, và trả lời được câu hỏi cũng không phải là vấn đề đâu nha. Thế nên, trước ngày bảo vệ, tốt nhất là hãy soạn cho mình một bài nói ngắn, gọn, súc tích, không dài quá 5 phút (bạn có 7 - 10 phút để nói nhưng nói chung, nói chả ai để ý đâu, ngắn ngắn là được, đặc biệt, nếu gặp hội đồng các thầy cô khó chịu, chưa nói xong đã bị cắt, và nhiều khi cái tật xài sáo ngữ bị đem ra chửi nữa à!).

Bên cạnh đó, hãy đọc lại ít nhất là một lần bài khóa luận của mình! Không nhất thiết ngày nào cũng đọc, trước đó một tháng đâu, kỹ thì tốt, nhưng không cần thiết. Mục đích của việc đọc lại này là giúp bạn hệ thống lại những gì bạn đã viết ra. Cái này khỏi cần nói nhiều, nhưng tôi thực tình khuyên bạn rằng là, đừng quan trọng hóa vấn đề, ngày bảo vệ chỉ là bước cuối cuối cuối của cả một quãng hành trình dài. Nó chẳng qua cũng chỉ là hình thức mà thôi, nên sự quyết định của nó cũng không phải là nhiều nhặn gì, nếu bạn thích phỡn, cứ phỡn. Miễn sao đừng phỡn quá, mất mặt thôi chứ chả có gì, vì như tôi đã nói, bài của bạn đã có được 80% điểm chấm ở nhà rồi!

Một số vấn đề bạn cần để ý đến: thường xuyên theo dõi tin tức để biết lịch bảo vệ của mình! Thường trường mình sẽ cho biết trước khoảng, 4 - 5 ngày trước ngày bắt đầu bảo vệ! Nhiều người bảo là gì mà cho biết trễ quá vậy, với tôi thì nghĩ như vậy cũng bình thường, chả có gì quan trọng. Bạn đã dành cả ba tháng trời ăn ngủ với nó rồi, bảo vệ chỉ là một bước cuối nữa thôi, biết càng gấp càng tạo cho bạn có cơ hội để nhảy cao, giờ này chả còn gì để nhảy xa nữa rồi. Thêm nữa là, ba ngày cũng đủ để bạn chuẩn bị mọi thứ rồi, đừng ngại là không có đủ thời gian ha!

Tôi thì khoái bảo vệ sớm, những ngày đầu tiên thường có lợi thế là thầy cô cũng dễ dãi, cho điểm thoáng tay hơn, về sau, kiểu như tích tụ ân oán ngày càng nhiều, dễ bị bể show và ăn đá lắm á! Điểm số cũng theo hướng xuống dốc, càng về sau càng khó có được điểm cao phơn phớn! Kinh nghiệm này là của khóa tôi, các khóa khác, vui lòng thỉnh giáo!

Trang phục: nam thì cứ quần tây áo sơ mi cho nó lành! Đừng bận màu chóe quá, thầy cô trường mình bạn cũng thấy rồi đấy, giản dị thanh lịch là được! Nên ủi thẳng thớm, nói thiệt, thấy nhiều bạn sinh viên bận đồ, ngày thường chả nói gì, ngày bảo vệ có lần một, lần hai trong đời mà đồ đạc gì đâu y chang da mèo, tôi là đờn ông tôi còn dòm không được mắt, nói chi đến thầy cô đã ra đời rồi! Phía nữ, tôi nghĩ nên bận áo dài, đẹp, sang và bắt mắt, thêm nữa là lạ (vì thường các bạn nữ trường mình khoái chọn váy, bạn chọn áo dài tự nhiên lạ và nổi bật liền!). Nói thiệt, thấy ai bận áo dài tự nhiên thấy có cảm tình, thầy cô trường mình phần đông đều khoái áo dài hết, ha ha cái này là tâm sự nhỏ to giữa thầy cô với bạn nhóm trường khoái tám tám tám như tôi!

Nên chuẩn bị nước uống và các loại bánh trái cho hội đồng. Cái này khi có lịch bảo vệ rồi, lập tức gởi bom lên các hộp mail của các khóa lớp đặng tìm người quen heng. Sau đó thì phân công lẫn nhau mà chuẩn bị bánh trái, nước uống và hoa. Thường thì nước suối cho nó đơn giản, bánh thì có bánh AFC, bánh Chocopie, bánh ngọt kiểu food & finger... nhớ bưng thêm khăn giấy! Trái cây thì thường sinh viên trường mình khoái cúng nho Mỹ, dễ ăn, nhưng thiệt ra nho Mỹ vừa mắc, vừa không hợp vệ sinh (có ai rửa đâu, toàn mua đùm đùm rồi bưng lên thui!). Tôi đề nghị là mua quýt nà, bòn bon... Nói chung nên mua nhiều nhiều vô, cảm tưởng đồ ăn ngập mặt cũng khiến người ta phây phây trong lòng, cũng cơ hồ không tập trung lắm vô việc bắt lỗi. Ha ha! Hoa thì phải có, không cần cầu kỳ quá, nhưng phải có!

Nên thị phạm trước ít nhất là hai hội đồng để biết được cách thức bảo vệ, quy trình bảo vệ như thế nào tránh trường hợp lớ nga lớ ngớ không chuyên nghiệp và mất tự tin!

4. Ngày bảo vệ

Nên đến sớm, có khi cả tiếng cũng được. Chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Bạn nên nhớ là đến ngày bảo vệ, đến giờ bảo vệ mới biết hội đồng của mình gồm những thầy cô nào (3 thầy cô: chủ tich, thư ký và phản biện. Phản biện là thầy cô chủ yếu hỏi và nhận xét bài bạn, thư ký làm nhiệm vụ hành chính, dặn dò bạn các thứ, đồng thời cũng hỏi và nhận xét, chủ tịch kiểu như MC, cầm trịch buổi bảo vệ!).

Cuối buổi sẽ được thông báo điểm luôn!

Trong quá trình bảo vệ, nên giữ thái độ vui vẻ, thầy cô có ném đá thì nên gật đầu, cười chân thật. Tránh tình trạng đôi co, cái này nhiều người nói, nhưng cũng có cả mớ làm không được. Kiểu như bị thầy cô nhận xét gì đó không hợp tai, vô tình mình bật lại, thầy cô lại bật tiếp, bạn biết mà, cái miệng nhiều khi hại cái thân, cái đầu nghĩ là không được nói lại, nhưng lời cứ vọt ra, và chỉ cần một lời thôi cũng đủ làm cho thầy cô nóng mặt rồi. Tốt nhất khi thầy cô nhận xét thì cứ im lặng, bỏ micro xuống tránh trường hợp nói leo, tuyệt đối không được nói leo!

Câu hỏi thì mỗi thầy cô sẽ có quyền đặt tối đa 2 câu hỏi, vị chi là maximum 6 câu, bạn sẽ được chọn 3 câu để trả lời. Nhưng nhiều hội đồng cũng yêu cầu bạn trả lời hết, thường là 4 câu! Trả lời câu hỏi ngắn gọn, tránh dùng sáo ngữ, trả lời không được cũng không sao,tất nhiên bạn sẽ bị bắt bẻ đủ thứ, và lại tiếp tục dùng chiêu chịu đấm ăn xôi, im lặng lắng nghe. Thời gian trả lời câu hỏi bạn hãy tự cho nó qua một cách tự nhiên. Trả lời được thì tốt, không trả lời được thì thẳng thắn nói là em không có ý kiến về vấn đề này, sáo ngữ kiểu như để em nghiên cứu thêm thì cực kỳ tránh, thầy cô sẽ lôi ra tôi cho em thêm 6 tháng để nghiên cứu tiếp nhé là ê càng!

Nội dung câu hỏi thì khó đoán được, cái này tôi chả có chuyên môn, cũng chả có kinh nghiệm gì! Miễn bàn!


Nói chung có được nhiêu đó kinh nghiệm, chia sẻ với các bạn thân yêu! Dưới đây là một kinh nghiệm khác, của một đàn chị ngoài cơ sở 1 Hà Nội, ai thích thì bay vô tăng pageview cho gia trang nhà chỉ ấy! Tôi thấy những điều chỉ nói hiện giờ cũng khá là lạc hậu rồi đa!

Đây!

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Kinh nghiệm làm khóa luận tốt nghiệp...

...... tại Thương, cơ sở số hai.


Có rất nhiều bạn hỏi tôi (dĩ nhiên là không phải sinh viên trường Thương rồi), rằng là chuyện bảo vệ khóa luận ở trường như thế nào? Chắc là phải dữ dội lắm mới được lựa chọn làm khóa luận. Tôi cười hắc hắc, nói trời đất cơi không có chuyện đó đâu. Làm khóa luận ở trường Thương dễ như ăn gỏi, chỉ cần trên bảy phẩy, không thi lại quá hai môn thuộc khối kiến thức chuyên ngành (nghĩa là trong năm ba + năm tư đừng để bị dính chưởng á), là cứ phây phây nằm yên ổn trong danh sách làm khóa luận của trường. Tình hình khóa học của tôi, đâu chừng bảy trăm mấy bạn, thì đã có gần năm trăm sinh viên làm khóa luận rồi, số lượng cực nhiều!

Ở bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một vài điều, mà bản thân đã kinh qua trong mùa bảo vệ khóa luận của mình, vừa rồi! Bởi thực tế, thời điểm tôi chuẩn bị bảo vệ khóa luận, tôi điên cuồng tìm kiếm các bài viết, blog của các anh chị trường Thương, từ cơ sở một đến cơ sở hai, mà cái tìm thấy được, lại cơ hồ không sử dụng được, hoặc giả nếu có, lại không giúp ích gì nhiều nhặng cho lắm. Bài viết này, chính vì thế, dành tặng lại cho các bạn khóa sau tôi, nếu các bạn, tìm được và cũng chuẩn bị bảo vệ khóa luận - như tôi! Các đồng chí khác - đã bảo vệ khóa luận ở trường Thương rồi - nếu thấy có gì sai sót thì vui lòng im lặng luôn. Nói chung trải nghiệm của tôi, cực kỳ mang tính chủ quan, mà hễ là chủ quan, thì dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng trúng! Tôi đã trải qua, và nói chung, cảm thấy những điều này đối với tôi nó là như vậy! Ai phản đối, thôi kệ!

Bắt đầu hỉ!

1. Về điều kiện bảo vệ khóa luận:

Như đã nói rồi, chỉ cần trên bảy phẩy tính đến học kỳ thứ bảy, không thi lại quá hai môn chuyên ngành - nghĩa là trong năm ba + học kỳ một năm tư, các bạn tuyệt đối không nên để rớt quá hai môn! Với sinh viên Thương, trên bảy chấm là chuyện hết sức bình thường, và xu hướng là các năm sau điểm trung bình tích lũy càng cao! Điều lăn tăn ở đây là việc thi lại! Nói chung năm ba + năm tư có khá nhiều môn bấp bênh, ngành Kinh tế đối ngoại thì những môn có nguy cơ cao nhất lại thuộc về khối các môn tự chọn (Thuế, Hải quan, Đàm phán...), một số môn khác cũng nguy cơ cực cao là: Kế toán, Kinh tế công. Nhưng nói chung, chỉ cần đừng tệ quá, sẽ không bị rớt. Cơ hội để bạn bảo vệ khóa luận đối với một sinh viên Thương bình bình thường thường là 95%.

Ngoài hai điều kiện tiên quyết trên, còn một số lăn tăn khác ví dụ như là không bị hạnh kiểm xấu, không bị dính pháp luật này nọ! Mấy điều này, làm sinh viên Thương ai lại để dính vô trời. Yên tâm ha. Còn điểm lưu ý nữa, đó là nhiều bạn có thắc mắc nếu như ở học kỳ cuối, mà lỡ bị rớt, thì sao? Khóa của tôi (K46) thì trừ môn cuối cùng ra - do thi trễ nhất, nên ai bị rớt thì do thi lại + biết điểm trễ so với thời điểm công bố danh sách làm khóa luận, cho nên không được bảo vệ. Còn lại, dù bạn có bị rớt môn nào đó, mà nhà trường xếp lịch thi lại cho bạn gỡ điểm và trước thời điểm công bố danh sách (thường là trước, nên bạn lại yên tâm, cơ hội để làm khóa luận là đến 95% cơ mà!). Các khóa sau tôi, nghe bảo học theo tín chỉ, không có vụ thi lại, mà là học lại. Thế nên chú ý, có thể rớt môn nào, là toi luôn! Chờ đến học kỳ sau, học trả nợ môn, cơ hội làm khóa luận, đơn giản là tan tành!

2. Giữa bảo vệ khóa luận với thi tốt nghiệp - Nên chọn cái nào?

Cá nhân tôi thì tôi chọn bảo vệ khóa luận, dù rằng:

+ Bảo vệ khóa luận ở Thương, nguy cơ rớt tương đương với thi tốt nghiệp.
+ Bảo vệ khóa luận không có nghĩa bạn là giỏi hơn thi tốt nghiệp! Đơn giản là điều kiện làm khóa luận quá dễ, đến 95% lận mà!
+ Bảo vệ khóa luận là một hành trình tâm lý cực mệt mỏi, kéo dài từ tháng 12 năm trước cho đến tháng sáu năm sau! Nếu thi tốt nghiệp, thời gian mệt mỏi chỉ kéo dài trong 10 tuần đi thực tập và hai tuần ôn + thi tốt nghiệp, thế thôi!

Tuy nhiên, bảo vệ khóa luận = đi thực tập + thi tốt nghiệp! Nói chung tính tôi lười biếng, không khoái vụ đi thực tập (thường là không có lương + liên quan đến chuyên ngành mình học, mà tôi đã nói, tôi không thích theo chuyên ngành của mình! Ref: Một cuộc phỏng vấn!). Bảo vệ khóa luận thì không yêu cầu đi thực tập, nhưng nói chung, nếu đề tài của bạn làm liên quan hoặc cần khảo sát trực tiếp ở một đơn vị nào đó, thì bạn cần phải có mối quan hệ hoặc đi thực tập mới có thể hoàn thành bài được. Nói như vậy để các bạn hiểu rõ, thi tốt nghiệp thì phải dính liền với đi thực tập và viết báo cáo dài 40 trang, rồi sau đó thi tốt nghiệp - tỉ lệ đậu lên đến 99.9%, nhưng điểm thấp (thi 50 người, 80% là từ 5 - 6đ, 20% còn lại: 7 - 9đ, đặc biệt, 9 rất hiếm!).

Làm khóa luận, nói chung cơ hội điểm cao sẽ nhiều hơn, phổ điểm trung bình từ 7 - 9đ, 10đ cũng có (khóa tôi được một bạn!). Những năm sau không biết thế nào, nhưng tình hình làm khóa luận khóa K44 (trước tôi hai khóa), rớt như sung, thi tốt nghiệp lợi hơn rất rất nhiều! Nói chung, về chuyện điểm số, thì rõ ràng làm khóa luận điểm cao hơn, nhưng không phải không có rớt. Tôi sẽ có một vài lưu ý dành cho các bạn, trong phần kinh nghiệm bảo vệ khóa luận, để hạn chế chuyện rớt!

Về cơ hội nghề nghiệp giữa làm khóa luận với thi tốt nghiệp! Như thế này, nếu bạn muốn học lên thạc sĩ, đi du học thì nhất nhất định định phải làm khóa luận, khỏi lăn tăn chi cho mất công. Nếu bạn chỉ muốn yên ổn đi làm, ra trường, cưới vợ sinh con, không hảo điểm cao, thi tốt nghiệp cho nó an lành hạnh phúc, không bị vướng bận những việc lắt nhắt cực kỳ mệt mỏi kéo dài phát sinh trong quá trình làm khóa luận! Khi đi xin việc, thiệt sự ra, ít khi nhà tuyển dụng hỏi han đến khóa luận của bạn, họ chẳng quan tâm bạn thi tốt nghiệp hay làm khóa luận đâu! Mỗi trường mỗi khác mà!

3. Quá trình làm khóa luận

Đây đây, nếu đã quyết định làm khóa luận, thì bạn sẽ phải chịu một khoảng thời gian cực dài ăn nằm với quyết định của mình. Với tôi, do không đặt yêu cầu cao, chỉ hảo qua là được nên khóa luận không hề đầu tư, tham khảo là chủ yếu, và bịa cũng là một phương pháp nghiên cứu của mình. Nói chung, chất lượng giáo dục, rõ ràng là một vấn đề cần phải nói tới trong quá trình làm luận văn như thế này! Nhưng biết sao được, tự người làm ra mà!

Đầu tiên thì phải chọn đề tài. Nhiều bạn lo xa, dành não đặng suy nghĩ ra một đề tài hay hay ho ho dành làm của riêng, nhưng thực tế thì, mỗi năm nhà trường đều sẽ soạn ra một bộ đề tài, dư sức cho cả khóa cùng làm, không cần thiết bạn phải tốn công suy nghĩ, nếu đề tài hay, bạn đủ sức làm thì không nói, nếu đề tài tầm phào, vớ vẩn, thì thôi, thà chọn đại lô đề tài nhà trường đề xuất rồi tập trung vô làm cho nó lành. Đừng tốn thời gian và cũng đừng lo lắng lung tung!

Đề tài thì không thiếu, nhưng vấn đề cực quan trọng là bạn phải chọn giáo viên hướng dẫn. Cái này quan trọng lắm nhé, vì nó sẽ đi theo bạn mãi mãi cho đến khi bạn chết mới thôi, trước mắt thì trên cái bìa khóa luận của bạn sau này, sẽ luôn song hành tên giáo viên hướng dẫn mà. Như thế này, ban đầu bạn sẽ tự chọn tự đăng ký tên đề tài và giáo viên hướng dẫn, nghĩa là, bạn chủ động tất. Nên chọn giáo viên có cùng chuyên môn với đề tài của bạn, sẽ dễ dàng đắc đích hơn. Ví dụ, nếu đề tài liên quan đến đầu tư chọn cô dạy Đầu tư, nếu đề tài Thanh toán, ngân hàng - chọn cô Thanh toán. Biết sao không, nếu chọn lạng quạng, thầy cô không đúng chuyên ngành, là bị cho ra rìa! Số phận của bạn, sẽ bị di dời sang những giáo viên không được sinh viên đề nghị, và thường thì các bạn cũng biết, phải có vụ này vụ kia, mới không được hảo sinh viên. Nói chung, bạn sẽ được quyền chọn giáo viên, và điểm bạn cao hay thấp, một phần cũng từ đó mà quyết định, ai khôn chọn người tài, điểm sẽ dễ cao, cà lơ phất phơ chọn bậy chọn bạ hoặc không biết chọn ai bị người ta đưa đưa đẩy đẩy thì khổ thân tự mình gánh lấy, trách ai sao được!

Một số bí quyết truyền tụng rằng là: nếu như bạn chọn giáo viên khó, có máu mặt trong trường, kiểu như về mặt kinh nghiệm, học hàm, học vị á! Thì ra hội đồng, cũng được hội đồng dòm tên giáo viên mà nể mặt sinh viên, có đàn áp nó cũng chừa đường lui! Thêm nữa, thường các vị ngồi hội đồng khó chịu, thì lúc ra bảo vệ, cũng tránh đụng phải các vị ấy, nên cơ hội gặp hội đồng dễ nhiều hơn một tí. Ngoài ra, lưu truyền một ngịch lý là, các giảng viên trẻ, lại đích là những giáo viên hướng dẫn cực kỳ nhiệt tình, cực kỳ tỉ mỉ, rơi vào tay các cô, thầy ấy, được chăm sóc kỹ càng luôn, không sợ bị rớt. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là, có tiêu cực hay không? Cái này cũng giống y chang vụ Hải quan mình thôi, có cung có cầu! Bạn nào không thích (giống tôi), hoặc không có điều kiện, tốt nhất nên chọn các thầy cô hiền lành nhiệt tình, để tránh trường hợp ai sao ta vậy, thần hồn nát thần tính mà tự mình nạp mạng nhé!

Sau khi chọn đề tài, chọn giáo viên, thì chờ đến khi nhà trường ra danh sách cuối cùng,m chính thức. Thời điểm đó cũng vào cuối tháng 1, đầu tháng 2. Thực tế là tôi khi chọn giáo viên cũng theo cảm tính, không suy nghĩ nhiều lắm, đề tài lại càng khủng khiếp, nhắm mắt chọn đại, nhưng cũng mang nặng cảm tính rất rất nhiều. Cũng may ăn chay niệm Phật, trời thương tình cho qua hết, nên cũng gọi là hảo kết quả đó nha!

Khi có danh sách rồi, việc cần làm là phải tập hợp được nhóm sinh viên chung giáo viên hướng dẫn với bạn! Việc này cũng dễ, cứ quăng lên hộp thư chung của các lớp kêu gọi, cứ gọi là tra tấn bom mail ấy! Thường mỗi nhóm sẽ có một đồng chí rất năng nổ, đồng chí đó sẽ được/ tự phong làm nhóm trưởng, chịu trách nhiệm liên lạc chung giữa nhóm với giáo viên. Lợi ích của người làm nhóm trưởng: he he, bạn sẽ được giáo viên hướng dẫn cho nhận xét tốt, nhận xét này ít nhiều ảnh hưởng đến điểm số của bạn khi hội đồng chấm khóa luận, tin nội bộ, không được tranh giành à!

Điều tối kỵ nhất của sinh viên đó chính là vô đạo đức vào không biết chuyện. Điều này dù là sinh viên Thương, cũng mắc phải! (ô hay, nói đến đạo đức, thì dù là ông quan ông nghè gì, thì cũng chưa chắc đã có à, đạo đức mà, người giỏi mà không biết chuyện, biết phép đối nhơn, có mà đầy cả thúng!). Thế nên, để tránh trường hợp gây nên những phát sinh không đáng có, cực kỳ không đáng có giữa sinh viên với giáo viên hướng dẫn, các bạn cần đặc biệt chú ý ngôn ngữ cũng như cách thức liên lạc với giáo viên. Không phải bạn muốn làm gì là làm, đặc biệt trong những trường hợp liên lạc với giáo viên không được, tuyệt đối không nên tự tiện liên lạc, mà cần phải thông qua bạn nhóm trưởng, có gì thì thằng nhóm trưởng chịu, bạn vô can. Điều này vừa tạo ấn tượng tốt, vừa thống nhất giữa nhóm với giáo viên hướng dẫn. Khi gặp giáo viên, nhỏ thôi, các bạn cũng nên chú ý mua nước để giáo viên giải khát! Khi hoàn thành các chặng trong quá trình làm luận văn (nộp bản nháp, nộp bản chính thức cho hội đồng, bảo vệ xong, hoàn thành khóa luận) thì phải gọi điện, nhắn tin, đặc biệt là nhóm trưởng nên đại diện nhóm gởi mail cám ơn giáo viên, bảo vệ xong thì nên nhắn tin đồng thời tổng kết điểm cả nhóm để thầy cô có thể theo dõi được kết quả của nhóm. Hành động nhỏ nhưng rõ ràng chứng minh, bạn là người có thể làm việc lớn được hay không đấy!

Thông thường, giáo viên nếu có kinh nghiệm giảng dạy trên 5 năm, sẽ hướng dẫn khoảng 20 bạn, làm thành một nhóm. Các giảng viên vừa có bằng thạc sĩ, sẽ hướng dẫn nhóm khoảng 5 bạn, nhiều nhất có thể lên đến 30 bạn. Nói chung, số lượng thành viên trong một nhóm không ảnh hưởng nhiều lắm, chủ yếu là bạn có làm tốt bài của mình hay không, đừng tưởng bở chuyện đông như thế này làm sao thầy cô hướng dẫn nhiệt tình được, hoặc ít quá chắc là cô sẽ hướng dẫn kỹ càng đến tận răng. Mơ hồ! Nhiệt tình hay không thì dù cho có đông đúc sinh viên cỡ nào, thầy cô cũng sẽ quản lý được, kinh nghiệm nghề nghiệp mà. Còn đã không mặn mà, dù có một bạn, thầy cô cũng sẽ sẵn sàng cho đồng ý tha hồ ngậm kẹo mà đợi ngày công thành chánh quả. Vậy đó!

(Còn tiếp!)

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Một cuộc phỏng vấn!

Tôi đi phỏng vấn cho rất nhiều công ty, tất cả đều không hề liên quan đến chuyên ngành chính của tôi ở trường: Kinh tế đối ngoại (trừ lần đi phỏng vấn xin chân kiến tập hồi cuối năm ba). Điều đó đặt tôi vào một tình huống khá là khó sử: chọn lựa giữa ngành nghề mà mình có chuyên môn, có bằng cấp hay làm một việc mà mình đam mê, có hứng thú để lâu dài theo đuổi! Tôi vừa trải qua một cuộc phỏng vấn cực kỳ thú vị, mà dù rằng kết quả có đậu, hoặc rớt hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của bản thân tôi!

Tôi nộp đơn vào một công ty kinh doanh theo kiểu Nhà nước, lớn, bự... nhưng là công ty của Nhà nước, vị trí nhân viên nhập khẩu, hoàn toàn phù hợp với chuyên ngành học của mình! Vừa gởi hồ sơ, ngay lập tức được gọi đi phỏng vấn vào hai ngày sau. Kẹp giữa là ngày tôi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, họ bảo tôi khi đi nhớ đem theo một bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Dồn nhiều sức cho buổi bảo vệ quá, rốt cuộc khi đi tôi chả nhớ rằng mình cần phải tạo thiện cảm tốt bằng việc tuân thủ những đòi hỏi ban đầu phía nhà tuyển dụng. Có lẽ do vị trí không hoàn toàn hấp dẫn và sự mệt mỏi kéo dài từ khóa luận tốt nghiệp làm cho tôi không chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn. Tôi đề nghị đổi lại thời gian sớm hơn một chút - vào ngay đúng ngọ, và kết quả là tôi đeo lên mình bộ mặt quạu quọ nhất của những ngày hè Sài Gòn nắng mưa thất thường đến công ty. Tôi đe nẹt bác bảo vệ bằng những lời rành rọt chẳng có chút nào sợ hãi khi bị đối xử như một người lơ tơ mơ. Ông bác bảo tôi kiếm ai, tôi bảo tôi đi phỏng vấn và tôi không nhớ tên của người bên nhân sự đã hẹn tôi. Bác bảo tôi hôm nay nhân sự không thông báo về việc này và tôi đốp lại bằng việc thản nhiên trả lời đó là chuyện của nhân sự, tôi không quan tâm! Sau màn đốp chát thiếu thiện chí đó, tôi thản nhiên bay vô salon ở phòng khách và ngồi chờ, không thèm để mắt đến bác bảo vệ ấy nữa. Tính tôi là vậy, bực lên rồi thì bất chấp mọi thứ, ai đứng gần sẽ dễ bị trúng chưởng! Một buổi trưa nóng nảy!

Ngồi chưa đầy hai phút thì có nhân viên nhân sự xuống dắt tôi lên phòng phỏng vấn, căn phòng nhỏ, nóng. Chị rót trà nóng cho tôi, thứ trà nóng trong cái không khí nóng nực như thế này, tâm trạng lại thêm phần bất ổn. Giọng chị gái miền Bắc thân thiện bảo em uống trà chờ xí, cho bớt run. Tôi cười thầm trong bụng, run cái gì, cảm giác đi phỏng vấn tôi kinh qua hơn hai chục lần, chả có gì gọi là run cả, chỉ có bực bội và nực nội thôi! Đợi chị đi ra, tôi tự tiện với lấy cái điều khiển bật máy điều hòa, tự nhiên như người Hà Nội - đó là cá tính của tôi!

Đợi chừng năm phút, hai nhân vật sẽ tiến hành tra khảo tôi bước vào: một đồng chí nữ và một đồng chí nam. Đồng chí nữ là nhân viên phòng nhân sự, đồng chí nam là thủ trưởng của phòng ban tôi nộp đơn vào công ty, cả hai đều khá trẻ, trên dưới ba mươi tuổi, nhưng vẻ mặt của đồng chí nam hoàn thiện không có thiện chí, lầm lầm và cực kỳ khó chịu - y chang cái mặt của tôi từ nãy đến giờ.

Thường đi phỏng vấn, tôi diễn kinh khủng, lúc nào cũng tỏ ra thân thiện, dễ thương. Chả hiểu sao hôm nay tôi bực bội, trả lời phỏng vấn nhát gừng. Không bày biện lung tung! Đồng chí nam hỏi tôi là chủ yếu. Sau màn khởi đầu là tự giới thiệu, anh chuyển ngay sang tiếng anh và lại bắt tôi giới thiệu từ đầu. Nóng tiếp tập thứ ba, mắc gì phải cứ nhai đi nhai lại như thế này, anh không chán tôi cũng chán chứ!

Đối đáp qua lại, những câu vô thưởng vô phạt! Tiếng anh của anh khá khó nghe, nói lại nhanh, nuốt từ tùm lum! Tôi phải đôi lần xin lỗi và phải cẩn thận lặp lại câu hỏi của anh để xác định điều anh đang muốn nói. Nhắc lại lần nữa là tôi hoàn toàn không chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn này, bởi lẽ, sau đó tôi còn có hẹn ở một cuộc phỏng vấn khác - cái mà tôi trông đợi nhiều hơn, cũng là lý do khiến tôi phải dời thời gian phỏng vấn lên đầu giờ trưa như thế này!

Thái độ của anh vô cùng khó chịu, thường những điều tôi nói anh đều cố bật lại, đập cho tôi nát mặt mới đồng ý! Lần đầu tiên tôi đi phỏng vấn mà không khí nóng bỏng như thế này, điều này khiến tôi bớt đi vẻ khó chịu. Dĩ nhiên thôi, người nào nóng hơn tôi, tôi nhịn, dần dần thấy thú vị! Kiểu như một món ăn lạ giữa vô vàn những gương mặt lúc nào cũng dễ thương, hỏi những câu dễ thương và cuối cùng là nói tôi rớt. Tôi thích cách anh bắt bẻ tôi như vậy, đề thấy rằng mình phải dẹp bỏ cái mặt nạ dễ thương ra mà căng óc lắng nghe thứ tiếng anh khó nghe của anh và những lập luận anh bật lại cho tôi! Có lẽ, do không làm về nhân sự nên cách tiếp cận của anh khác! Và tôi thích điều đó!

Thường tôi ích khi uống trà đặc, vì đắng và nóng! Nhưng tách trà được rót mời tôi lúc ban đầu, tôi mỗi lần bị bắt bí và mỗi lần bật lại anh thấy thỏa mãn, đều được tôi bưng lên nhấp một cái! Nhấp nhiều quá đến nỗi tôi phải với tay rót thêm tách nữa, nóng hổi!

Sau những màn đối đáp về tính cách, về kinh nghiệm này nọ! Anh đột nhiên đưa cho tôi một tờ L/C (thư tín dụng) và yêu cầu tôi kiểm tra xem L/C ấy có điểm nào sai sót. Tôi bị bất ngờ, hoàn toàn không nghĩ rằng một cuộc phỏng vấn dành cho người chuẩn bị ra trường như tôi, lại có đề cập đến vấn đề kiểm tra chuyên ngành như thế này! Nhưng dĩ nhiên, tôi là người được cái là khá tự tin, vẫn bình thường nhận lấy tờ L/C và kiểm tra sơ qua một lượt.
Nói sơ qua về tình hình kiến thức chuyên ngành xuất nhập khẩu của tôi một tí! Nói chung những môn chuyên ngành tôi đều được học tập trung ở năm ba, tức hơn một năm về trước. Tôi cũng có nói là từ nào đến giờ tôi toàn nộp đơn và đi phỏng vấn cho các vị trí không phù hợp với chuyên ngành đào tạo của mình. Hơn một năm không dùng đến những kiến thức chuyên ngành, vì thế, tôi cực khó chịu trong việc lục lọi trong trí nhớ ít ỏi của mình những điểm căn bản nhất để có thể thể hiện mình như một ứng viên có năng lực.

Nhưng câu hỏi đã đưa ra, nhiệm vụ của tôi là trả lời. Tôi đưa ra hai điểm mà tôi nghĩ là L/C ấy có khuyết. Anh bảo tôi kiểm tra lại lần nữa, dĩ nhiên, tôi không chắc chắn là câu trả lời của mình có đúng hay không. Nào giờ tôi chưa kiểm tra một tờ L/C nào cả! Thái độ của anh dồn ép, tinh thần tôi cũng đã nóng lên rất nhiều, trà liên tục được nhấp! Sau một hồi căng thẳng, tôi bật lại với anh rằng liệu anh có nghĩ việc kiểm tra L/C là một công việc khó hay không. Anh trả lời là không, và tôi đồng ý đồng thời xí xa xí xồ với anh rằng, đây là việc mà một người có thể chả có kiến thức chuyên ngành cũng có thể làm được, nếu cho họ ngày nào cũng check L/C. Tôi bảo với anh những điều đó với một thái độ cực kỳ láo xược, mặt ngênh lên và tay chân thì khua đủ bốn phía (thói quen của tôi khi nói tiếng anh là như thế, càng khua khoắn, nghĩa là càng bức bách!).

Sau câu nói của tôi, anh rõ ràng thay đổi thái độ, dữ tợn hơn và càng bức ép tôi nhiều hơn. Anh bỏ qua vụ L/C, cùng với nhận xét là, hai lỗi của tôi một cái đúng, cái còn lại anh vả vào mặt tôi một cái chát bằng cách lôi ra từ trong cái L/C chết tiệt ấy chính cái điểm mà tôi cho là thiếu xót. Anh tiếp tục tàn nhẫn hỏi tôi là có hiểu hết cái L/C 5 trang giấy, chữ nhỏ xíu (font 7, Arial), hoàn toàn bằng tiếng anh hay không. Tôi bảo nhiều từ chuyên ngành tôi không biết!

Tiếp đó, anh quăng ra cho tôi một cái hợp đồng, chỉ cho tôi một điều khoản, và bắt tôi dịch sang tiếng Việt! Hồi tưởng lại một tí, đây đúng là chuyên ngành của tôi, học tiếng anh thư tín và ngôn ngữ hợp đồng! Tuy nhiên, cũng đã sáu tháng, nửa năm rồi tôi không hề đụng đến mảng kiến thức đó nữa, và ngay cả khi đang học, thì việc phiên dịch đối với tôi là phải có quyển từ điển kế bên! Vậy nên bây giờ, mang mác sinh viên Ngoại thương mà một điều khoản hợp đồng mà tôi bất giác lớ ngờ, trà trong tách vơi đi một nửa.

Và dĩ nhiên, đã đưa ra thì phải thực hiện, tôi dòm cái điều khoản mà trong lòng sóng to gió lớn, đầu lùng bùng hồi tưởng lại lời vàng ý ngọc của thầy cô tôi đã dạy từ hơn một năm về trước về các thuật ngữ chuyên ngành. Và tôi dịch, cố gắng sử dụng vốn từ tiếng Việt của mình để trôi chảy hóa điều khoản ấy! Cơ bản là tôi hiểu được nội dung, nhưng để làm thỏa mãn đồng chí đang đứng trước mặt là cả một vấn đề, và nhất là đồng chí nữ - không - chuyên - ngành - về - xuất - nhập - khẩu nhân sự ngồi kế bên! Dịch xong, dĩ nhiên là tệ, anh chần chừ một tí rồi đưa tôi tờ giấy, bảo tôi viết ra cho nó dễ nghe một tí, đặc biệt, làm ơn dịch cho đúng!

Tôi đi phỏng vấn rất nhiều, và chưa từng thấy một người phỏng vấn nào kiên nhẫn đàn áp tôi đến mức độ như thế này! Và tôi cực thích những trường hợp thử thách như vậy, chắc có lẽ, tôi thấy rõ anh thực sự nghiêm túc muốn tìm ra được nhân tài để bưng về cho công ty mình, để đào tạo!

Thì tôi viết, bắt đầu sắp xếp lại câu cú cho đàng hoàng. Chưa đầy ba phút sau đã đưa trả lại cho anh, anh không thèm để ý mà chuyển ngay cho chị nhân sự, nhờ chị đánh giá bởi chị là người không có chuyên môn trong vấn đề này, nếu chị hiểu, bài dịch đạt yêu cầu, nếu không, tôi mất điểm. Cũng may, chị hiểu, và tôi thấy anh mỉm cười. Tôi dựa lưng vào ghế, khoái trá đến độ tọng vào họng một ngụm trà kha khá lớn, rõ ràng là đây không hề là một cuộc phỏng vấn dễ dàng!

Cuộc chơi vẫn tiếp tục! Anh đại khái kêu tôi viết một bức thư phàn nàn (Complain letter). Lại tiếp tục là chuyên ngành của mình, tôi bất giác mỉm cười, ha ha, thấy chưa, ai bảo ngày xưa học hành lơ tơ mơ, giờ gặp chuyện thì mới biết thế nào là trời cao đất dày! Thì viết! Tôi nói chung giỏi ứng biến, viết không hay nhưng có thể diễn đạt được nội dung mà mình tự nghĩ ra, tự chế ra! Điểm thi viết của tôi thường lúc nào cũng cao điểm, dù không được xuất sắc về mặt câu cú cũng như ngữ pháp cho lắm.

Năm phút sau, tôi gởi lại bức thư lem nhem dấu xóa bút chì lại cho anh. Lần đầu tiên, từ chối, đẩy bức thư lại cho tôi, bảo kiểm tra lại một lần nữa. Nhận lại, thêm vào vài điểm ngữ pháp quan trọng mà trong lúc loay hoay chẳng để ý, nhấp một ngụm trà, thanh thản. Lần thứ hai, tiếp tục bị trả lại, kèm theo là yêu cầu kiểm tra thực sự kỹ và hoàn thành bức thư. Tôi biết bức thư có lỗ hổng, nhưng thư tín không phải là chuyện đùa, không thể muốn viết là viết, tất cả đều có nguyên tắc, lơ tơ mơ bị đập như chơi. Tôi đưa lại bức thư, không thèm để ý đến lỗi chính tả, ngữ pháp, nhấp ngụm trà, căng thẳng. Lần thứ ba, ông cũng không nhận, chị nhân sự kế bên, lặp lại yêu cầu, em phải hoàn thành bức thư, hãy viết đúng những gì em đã học ở trường. Tôi bực mình, không nhận lại thư nữa, ngụm trà thứ ba không thèm uống, bực dọc bảo: em biết đây là một bức thư không hoàn chỉnh, không hoàn chỉnh ở chỗ nào, nhưng em không rõ mình nên viết cái gì vào chỗ thiếu sót đó, và nếu phải gượng ép viết sai một nguyên tắc nào đó, em thà không viết. Bốn ánh mắt dòm tôi, lạ lùng là không thấy chút nào bực dọc, chỉ thấy ánh mắt họ cười. Tôi thấy có tôi ngạo ngỡ, dở - nhưng - hoàn toàn tự tin vào bản thân mình. Cốt cách cao ngạo nhiều khi khiến tôi sống dở chết dở như thế!

Anh chỉnh sửa bức thư của tôi trong nháy mắt với bảy lỗi. Tôi nhận tất cả, đồng thời cũng chia sẻ thực sự với anh rằng tôi không chuẩn bị gì về kiến thức chuyên ngành cho buổi phỏng vấn này. Từ lúc tôi phản pháo vụ bức thư, rõ ràng không khí buổi phỏng vấn đã chuyển hẳn sang nhẹ nhàng và chia sẻ, không còn những bắc bẻ này nọ nữa.

Thì ra, đồng chí anh kia cũng là đồng môn Ngoại thương, sống trong chăn nên rõ ràng là biết điểm yếu, điểm mạnh của đồng môn hết ráo rồi con gì nữa. Vì thế mà việc tôi bị đập cho tan nát, cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, từ lúc đó trở đi, đã hiểu nhau, đã đánh giá được đối phương, thì việc còn lại chỉ là những chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm làm việc. Thoải mái, trà vẫn nhấp nhưng không còn nóng bỏng nữa. Anh chia sẻ với tôi những quan niệm sai lầm của sinh viên Thương khi ra trường, hỏi cặn kẽ định hướng của tôi đối với nghề nghiệp. Chị cung cấp cho tôi các chế độ phúc lợi, lương thưởng đồng thời hỏi tôi mức lương mong đợi, cực kỳ sâu sát trong việc phân biệt giữa lương với thu nhập, rồi thu nhập có thuế hay chưa thuế, nói chung tạo cảm giác rất rất thân mật và hiểu nhau của những người vừa trải qua hoạn nạn thấu chân tình.

Chị không hứa hẹn nhiều, và rõ ràng thấy tôi không hoàn toàn đặt tâm vào công việc này, thì cũng đúng thôi, tôi đến với cuộc hẹn bằng tâm trạng bực bội và mệt mỏi của những ngày dài đắm mình trong khóa luận tốt nghiệp, bằng cái nắng mưa thất thường của trời Sài những ngày hè. Và chị bảo tôi trong tuần sau sẽ liên hệ lại, nhưng chị đề nghị là em nên gọi cho chị, nếu em có nguyện vọng cũng như thắc mắc gì. Có lẽ, chị vẫn chưa bằng lòng với câu trả lời rằng tôi 60% chọn công việc này!

Một cuộc phỏng vấn kéo dài trong 2 giờ đồng hồ, kỷ lục! Khi đến bằng bộ mặt cau có, và bận ra về được thay bằng một nụ cười toét tận mang tai! Cảm thấy vui vì mình có cơ hội nhìn thẳng vào bản thân, được thử thách thực sự theo kiểu đàn áp cho đến giây phút cuối cùng. Đã lâu lắm rồi mới có một cuộc phỏng vấn thú vị đúng nghĩa như vậy. Tâm trạng vui khiến cho cuộc phỏng vấn tiếp theo hóa ra nhạt nhẽo.

Đó là một cuộc phỏng vấn đáng nhớ nhất! Cho đến bây giờ, của tôi!

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Đã thành chánh quả!

Không cao lắm, nhưng cũng không thấp lắm!

Bị dập nhưng không hề tơi tả!

Và mệt, đuối vì cuối cùng, cũng có cảm giác lấy được chơn kinh!



Này là đẹp trai, xinh tươi trong ngày bảo vệ khóa luận!



Và bên các đồng chí chung một hội đồng! Các bạn nữ chung hội đồng của mình chả hiểu sao rủ nhau bận áo dài, nhìn đẹp khí thế! (Các hội đồng khác, thường nữ chọn váy các thể loại, hóa ra, bận áo dài nhìn là đẹp nhứt nhứt nhứt!)

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Ngay trước giờ G!

Bốn năm trời, chỉ mong đến ngày thoát ra được ... chỗ mà rất rất nhiều người thèm!

Hồi năm nhất

Đơn giản nghĩ là chỉ này nọ qua loa, không cần đầu tư cho chuyện học hành, ăn chơi nhảy múa vui vẻ trước đã! Ngày ra trường, muốn lẹ lẹ nhanh nhanh!

Lên năm hai

Vẫn tềnh tang giữa đường thiên lý! Đường còn dài mà, nên vừa chơi vừa học! Tốt nghiệp hả, lẹ cũng được mà chậm cũng không sao!

Tới năm ba

Trời đất cơi ngoảnh trái một cái, ngoảnh sang phải một cái mà chuyện thi tốt nghiệp, làm luận văn, đi kiến tập đã tới sát bên nách rồi! Hai năm đầu tềnh hênh quá, nên năm ba phải vắt tám cái giò lên cổ, mà chạy! Chạy cũng không nổi nữa rồi! Nhiều lúc hối hận, phải chi cho quay lại một phát, đặng làm lại từ đầu! Trước khổ sau sướng, mà giờ ... Ai biểu lánh nặng tìm nhẹ làm chi! Ngày tốt nghiệp chập chờn trước mắt!

Đụng trần năm tư

Nhiều lúc mắc cười, cứ loay hoay giữa chuyện muốn tốt nghiệp đại cho xong với lại dây dưa níu níu kéo kéo! Chưa có được việc làm ổn định, thế nên cứ mong bám lấy cái sự học đặng làm cái bình phong cho chuyện ăn không ngồi rồi! Thế nên ngày tốt nghiệp trước mặt, mà tai trái bảo nhẹ tênh bước qua, tai phải húng hằng từ từ chờ chờ đợi đợi thêm vài khoảng khắc nữa!

Dù gì thì cũng phải bước qua!

09/06/2011 - Bảo vệ khóa luận tốt nghiệp!

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Tổ quốc nhìn từ biển

Tổ quốc nhìn từ biển

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước *
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

(Trại viết Văn nghệ Quân đội Hạ Long 4/2009)

Nguyễn Việt Chiến