Tôi hay tự hào mình là người miền Nam, sinh ra và lớn lên tại một vùng đất mà con người sẵn tính phóng khoáng, nói chuyện tự nhiên, thật thà nhủ mỉ! Và trong cái tự hào hơi “đậm mùi phân biệt tôn giáo, văn hóa, chánh trị” ấy, tôi khoái nói về những phong tục tập quán của người miền Nam nơi tôi sống nhất, đặc biệt là những phong tục ngày Tết!
Chắc ăn là phong tục ngày Tết bà con thiên hạ người ta đã bàn hà rầm, viết hà rầm, nên chọn cái chủ đề dưới góc độ một kẻ rong ruổi như tôi, một ngày quỡn tay quỡn chân, bày ra mời khách thì còn chi là hấp dẫn nữa! Nhưng tôi ơ hờ, hà hà, người làm nghệ thuật trước tiên là thỏa mãn mình! Viết cái này coi như khuây khỏa, chứ có thấy bạn không, tối ngày lên face than trời trách đất, khen ngày hôm nay là đẹp nhất, chắc ăn lục tìm những bài viết cũ, hổng biết ngày nào là ngày đẹp nhất nữa, bởi nhiều cái lần đẹp nhất quá mà!Và cũng mắc mớ trong lòng, bữa khách đến thăm nhà, đọc sơ sịa vài ba entry, buông thỏng câu tưởng ông chửi ai, rồi còn thấy ông mơ màng, chắc đang kiếm chuyện về bươi móc, nghe mà rầu hết sức! Trời ơi tôi có rảnh đâu đi để ý từng chuyện này chuyện nọ! Chỉ có tội tôi tình cảm hơi quá, thấy ý này hay, về bậy bạ làm cái entry mang hơi hướng cô Tư dưới miệt Cà Mau, dám đâu ôm mộng thành văn sĩ này văn sĩ nọ! Viết ra rồi quăng lên blog, câu còm mà câu riết mồi câu cũng hết hổng thấy còm đâu!
Thế nên tôi chuyển qua viết cái gì nhẹ nhẹ, vui vui, coi như quà dành cho khách, có miếng mứt gừng, cay cay the the! Khách cắn miếng mứt, chiêu ngụm trà, còn gì là sướng bằng! Và trong những ngày giáp Tết, tình cảm phây phây, cũng nên dành một bài về Tết, là vậy!
Lia nhẹ qua cái ngày đưa ông Táo, hăm ba tháng chạp! Chỗ tôi bà con đưa ông Táo bằng dĩa thèo lèo cứt chuột với bông hoa trà quả đơn giản, hổng thấy ai thả cá chép hay đốt giấy tiền vàng mã! Cái lễ này trong Nam làm giản tiết, không long trọng lắm, lý do thì cũng dễ hiểu, mới hăm ba, nợ nần chưa thanh toán xong, ráng dành dụm làm tới lối hăm tám, hăm chín, nên tiễn ông Táo chỉ giản đơn thế thôi! Và biết đâu trong cái sớ táo quân, ông bà dòm xuống xót thương, trời ơi tội con cháu mình chưa, cả năm công lên chuyện xuống, vất vả lắm sao mà mâm lễ coi bèo bọt quá, thôi năm sau ráng lên, có gì ông bà đỡ vài cái gánh, coi như phù hộ độ trì! Đó cũng là cái mánh của những người dân nghèo, mà trong một lần rỗi rãi, tôi ngộ ra được!
Về cái dĩa thèo lèo cứt chuột, có nhiều ý kiến trái chiều về cái loại bánh mứt này lắm! Giả như trong cái dĩa bao gồm thèo lèo làm từ đậu phộng và đường mật thì quá rõ ràng, còn cứt chuột là cái nào? Cục tròn tròn trong là hột đậu phộng ngoài là bột nhiều màu trắng, đen, hồng, xanh… hay là cái cục dài dài như thèo lèo nhưng làm từ mè không thôi? Tôi băn khoăn đem đi hỏi thằng bạn khác đến từ Long An, bạn bảo rằng cứt chuột là cái cục dài dài, bạn khác nữa, quê gốc ở Thái Bình, Bắc Kỳ 54, vô cắm sào ở Kiên Giang ngót ngét mấy chục năm, thì cũng như tôi, cho rằng cái cục tròn vo kia mới đích thực là cứt chuột! Hừ hừ, cái này là do thiếu về vốn sống, nhà thì chuột chạy ríu rít mà có bao giờ thèm để ý đâu! Đến đây thì tôi suy nghĩ, cơ mà ngày xưa miền Nam mình ít thấy hạt mè, mè là thứ xa xỉ, hổng có nhiều như cái tụi đậu phộng, đường lao. Mà con chuột nhỏ xíu, chắc chuột đồng, cứt của nó chắc ăn cũng nhỏ, y như cứt dê, tròn vo, đen thui, dòm y như viên kẹo mà hồi nhỏ có lần ngu ngu có đứa lụm bỏ vô miệng nhai trếu tráo! Vậy thì cái cục tròn kia mới là cứt chuột! Phải vậy hông ta?
Mà nói nhỏ chuyện này, cục thèo lèo ngày xưa ăn lạng quạng là gãy răng, nên mấy bà già đâu dám rớ vô, chỉ có đám con nít, thiếu thốn trăm bề mới ráng mà gặm! Thêm nữa là ngày thường đâu có thèo lèo mà ăn, nên bao giờ thấy nó xuất hiện là coi như tới tết, là mừng! CÒn bây giờ thì thèo lèo Trung Quốc,bao nhiêu cũng có, bao giờ cũng có, bỏ vô bao kiếng, ăn mềm, dẻo, thơm, mà thấy mất tiêu cái chất! Hỏi tôi chất gì, tôi ơ hờ thì chất tết, chứ còn gì nữa!
Qua hăm ba là tới ngày tảo mộ, tức hăm lăm tháng chạp! Ngày này ít người biết! Tôi có lần bơ quơ hỏi anh bạn người miền Trung, có biết ngày hăm lăm là ngày gì hông, ảnh cũng bơ quơ, ngày chi, tôi nói ngày tảo mộ, ảnh lắc đầu, ngày chi mà lạ rứa! Ảnh dân Quảng Nam, thòng thêm một câu, dân xứ tau ngày mồng một tết mới ra mộ viếng ông bà, hổng có chi ngày hăm lăm ra mộ hết! Và tôi ngộ ra một điều, chắc chỉ xứ mình mới lòi ra thêm ngày hăm lăm tảo mộ, xứ khác hổng biết ra sao?
Ngày hăm lăm hình như năm nào cũng trùng vào ngày đi học nên nhỏ lớn tôi chưa có lần nào lăn xả vào! Ở chỗ tôi được cái nhiều nghĩa địa, bự bự thì có Bàu Ếch, vừa vừa thì đầy, hình như xã nào cũng một hai cái, bự nhất và nổi tiếng nhất là Cực lạc Thái Bình, ai đi rồi cũng muốn có một chỗ nằm ở nơi này, số tôi ngày sau chắc cũng hổng thoát! Ngày hăm lăm đi ngang nghĩa địa thấy đông ngẹt người, đầu đường có mấy bà hàng sáo nhanh nhảu bày bông vạn thọ ra bán, nhiều người bán nhang đèn! Tôi thì nghĩ là ế, vì nhà tôi trước khi đi tảo mộ bao giờ hổng ra chợ mua trước, tới ngày thì vác vô nghĩa địa, làm cỏ xong thì bày ra cúng, cúng xong thì bỏ, cái nào đem về được thì đem về! Thế mà năm nào họ cũng bán, chắc làm ăn cũng được!
Tảo mộ là từ cổ, tảo tức là thăm, mộ là mả, tức thăm lại mồ mả ông bà! Công việc trong ngày này nặng nhọc, trời tháng giêng Tây Ninh nắng ơi là nắng, trân mình giữa nghĩa địa hổng có bóng cây, bốn bề là mả thì còn chi là cực khổ hơn nữa! Thông thường cả nhà tụ tập lại nhà tổ, rồi xuất phát tới nghĩa địa, xông vô làm cỏ, cỏ sạch rồi chuyển qua trồng bông trồng hoa, xong xuôi thì bày nhang đèn trà quả, lạy vài ba cái rồi sắp sửa chuyển sang mộ khác! Gì chứ xoàn xoàn mỗi nhà làm bốn cái mộ, riêng nhà tôi thì tập trung làm tới 6 cái, hai ông bà nội ngoại, thêm ông cố, bà cố! Lần quần coi như hết cả buổi sáng!
Đi tảo mộ bây giờ nhiều người hổng còn để tâm tới, chỉ quẳng đó mấy chục mấy trăm, mướn người này người kia làm cỏ giùm mồ mả ông bà mình! Người này người kia hay người lạ đó chẳng biết đâu ra vô tư, hồn nhiên giẫm đạp lên mồ mả ông bà mình mà nhiều người còn tươi hơn hớn, trời ơi dạo này tui bận quá, thôi ba má ông bà thông cảm cho thằng đó tới chăm sóc ba má ông bà giùm! Cái này tôi miễn bình luận! Chỉ thấy mắc cười, hổng biết mai mốt mình thế nào?
Qua hăm lăm là coi như chính thức vào tết, nhà cửa sửa soạn! Quát giáng nhện, sơn cửa, sơn nhà, sơn bàn thờ, chùi lư đồng, muối củ kiệu, muối cải chua… Mấy cái tôi kể là mấy cái mấy ngày nay nhà tôi làm, còn chuyện gói bánh tét gì đó thì hoàn toàn trôi vào dĩ vãng! Thời buổi này ít nhà nào còn giữ được phong tục gói bánh tét lắm, chỉ chờ tới bữa tết nhà, mùng ba, chạy ra chợ mua đòn hai đòn gì đó, về cắt bánh ra làm hồ dán vô mấy tấm giấy điều in hình Phật bà quan âm cầm cái bình cười y chang hoa hậu lên mấy đồ vật trong nhà, rồi thôi! Bánh còn dư thì để đó, đứa nào ăn thì ăn, không thì ra giêng phơi khô, chiên lên, ăn dần!
Tới lối hăm tám, hăm chín thì tranh thủ đi chợ tết! Ngày xưa, cỡ năm tôi học lớp bảy đổ về trước chợ tết vui dữ lắm, lúc cái chợ Long Hoa bự chà bá chưa bị ông chính quyền đập nát, lên dự án, đến tận 8 năm sau cũng chưa xây xong, thì ai cũng nô nức chờ ngày nhóm chợ! Đi chợ khuya, con nít con nôi hổng mua gì cũng thấy vui! Nhớ lúc đó trong vườn nhà cậu ba tôi có cây sung, năm nào tôi với mấy chị, mấy em bẻ sung rồi đem ra chợ bán. Cầu sung dừa đủ xài mà, sung bán đắt như tôm tươi! Máu tôi là máu kinh doanh, năm nào cũng bán sạch nhách, tiền thì toàn năm trăm với một ngàn, được cái có chút tiền, để dành tới mấy cái mùng một, mùng hai bước qua mùng ba đánh bài! Vui như hội!
Đi chợ tết là phải đi buổi khuya, không mua thịt heo thịt gà gì đâu, chủ yếu là mua bông, mua mứt, mua bánh… tết chỗ tôi chủ yếu là ăn cái tinh thần, hương hoa trà quả nhà nào cũng ê hề, đơm sao cho cái bàn thờ nhà mình sung thiệt là sung, cái bình bông năm trước phải đẹp hơn năm sau, cái chò trái cây phải nghẹt trái này trái nọ! Mâm lộc thì đủ năm loại cầu dừa đủ xoài, bình bông ông thần tài ông địa thì cắm trăm điều mai! Tôn giáo nó như thế, tin thì có, hổng tin cũng hổng sao, cho nên cứ tin cho chắc. Ngày tư ngày tết kiêng kị đủ điều! Nhớ có bữa mồng một, tự nhiên mở mắt ra tôi mắt đi đại tiện, mà hồi đó xưa lắc, cả cái khóm Long Hoa chỉ có cái cầu ao dưới dốc Ao Hồ là cái nhà vệ sinh chung, cầu cá tra, nhà tôi đi bộ xuống cỡ năm phút! Chuyện tế nhị ngay ngày mùng một tết, bí quá tôi lật đật chạy xuống cầu cá. Bận về đi từ từ chậm rãi, về má nhạ nhàng, tính chửi mà thôi, nói cái gì cũng từ từ, mắc công cả năm cái gì cũng chạy hổng kịp, đuối hơi đó con! Mấy năm sau rút kinh nghiệm, tôi làm gì cũng được nhưng mùng một là hổng có gấp gáp, chậm rãi từ tốn, nói điều hay, làm việc thiện! Năm đó là năm tôi lớp sáu, tết 2001!
Tới giao thừa thì nhà tôi cúng nước, rước ông bà từ lúc 12 giờ trưa, đúng ngọ! Đọc kinh, cúng thời Tý theo tôn giáo Cao Đài, xong thì ngồi lại, ăn miếng mứt, uống ngụm trà, mở truyền hình, đài HTV9 coi cải lương đầu năm, rồi đi ngủ, chờ tới sáng chúc tết này nọ, đi chùa, rồi về nội ngoại, chơi đánh bài, ăn uống! Bây giờ giao thừa ít nhà nào theo đạo Cao Đài mà cúng thời, đọc kinh Di Lạc, kinh Sám hối, chỉ có nhà nào còn ông bà già, ráng cúng kiếng tích đức con cháu, cầu một năm mới an lành thì còn luyến lưu nhang đèn kinh kệ thôi! CÒn không thì đổ ra ngã ba Núi, coi bắn pháo bông! Tôi thì nhỏ lớn hổng ra đường vào thời khắc giao thừa, nên lúa ơi là lúa vì hổng biết cái pháo bông nó ra làm sao, giao thừa thì quây quần cúng nước bên ông bà già, anh chị thì chồng vợ đề huề, còn có mình ên ba má ở nhà, thêm thằng út, nên thôi kệ, ráng ráng tụng kinh với má, đỡ tủi! Xong xuôi thì chờ điện thoại của bạn tới chúc tết, không thì gọi chúc tết bạn luôn!
Qua giao thừa với tôi, mấy năm gần đây, coi như hết tết!
Nghĩ thì cũng buồn, tết bây giờ hổng còn như ngày xưa, đủ hương đủ vị! Anh em lớn hết cả rồi, còn cần chi mấy cái lì xì, bầu cua cá cọp! Tết bây giờ chỉ còn trong tiềm thức, lâu lâu thấy nhớ, lục ra, rồi quẳng đi! Một vòng quay, một đời người, thử hỏi có được bao nhiêu mùa tết nữa!
Không khéo mình thành ông già ở cái tết nào đó mà hổng hay, vì cái tội lông bông đi kiếm một cái tết nào đó xa xôi tận cái thuở chín năm nào đó! Phải coi chừng…