Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Mùa thu du ký (5) - Không tên

Người Miến Điện cho rằng, đất nước của họ là nơi có Phật hiện diện, là nơi Phật từng đến. Những chùa Phật Nha, chùa Phật vàng, chùa Xá lợi tóc Phật là những Thánh tích quý giá không chỉ của riêng đất nước "không giống như đất nước nào khác mà bạn từng biết", mà còn là điểm đến tâm linh của rất nhiều Phật tử trên khắp thế giới.

Người dân Miến Điện cho rằng, thuở Đức Phật chưa nhập Niết Bàn, trong một buổi thuyết pháp có hai người từ phương xa đến, xin đầu nhập làm môn đệ. Phật thu nhận họ làm đệ tử. Sau một quãng thời gian tu hành, họ xin được trở về cố hương. Phật đồng ý, đồng thời ban cho hai vị đệ tử ấy tám sợi tóc của Ngài. Tám sợi tóc xá lợi đó của Phật, hiện nay được cho là đang thờ tại chùa Vàng Shwedagan - Yangon, thủ đô của Miến Điện.

Truyền thuyết còn kể lại rằng, một lần Đức Phật thu nhận một người thương nhân tên là Punna, đã lặn lội đến tận Savatthi (một Thánh tích thiêng liêng của đạo Phật, ngày nay nằm sát biên giới Nepal - Ấn Độ) để dập đầu xin vào tăng chúng. Sau một thời gian tu hành, Punna xin Đức Phật cho ngài được đi giáo hóa chúng sanh. Phật nói: dân xứ ấy dữ lắm, ông giáo hóa bằng cách nào? Ngài thưa: con sẽ không bao giờ giận dù cho họ giết con.Punna giáo hóa thành công, xây được một tu viện, và mời Phật đến thăm. Đức Phật đến với 500 vị tăng. Khi trở về, đức Phật dừng chân bên sông Nammada, gần dãy núi Saccabandha. Một vết chân của Ngài in dấu không phai gần bờ sông, một vết chân khác in dấu trên núi. Hai vết chân bây giờ là hai thánh tích, ngày xưa được vua thờ, ngày nay là đất hành hương của dân chúng.

Burma là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng người dân Burma bao đời nay lại đắm mình trong lòng di sản Phật giáo được xem là lớn nhất nhì thế giới. Anh không theo đạo Phật, anh cũng không nghiên cứu về Phật pháp, nhưng ừ thì bằng những ơn vọng về ánh sáng của từ bi hỉ xả, của Phổ độ chúng sinh, anh đã đến Miến Điện vào những ngày đầu thu, đi qua những chùa chiền, chạm tay vào Phật, ở nơi mà người ta vẫn hay nói: Hãy đi, ngay khi Burma vẫn còn "chưa được nhiều người biết đến"

5. Không - tên:

Ở Không tên có cái gì đó rất hay.

Sáng đó xe đến Yangon lúc tầm năm giờ sáng. Anh nhoài người ra khỏi xe, tranh thủ chạy đi kiếm nhà vệ sinh để rửa mặt, cái bến xe lúc hừng đông lúc nhúc những người. Bến xe Yangon rộng và cũ kỹ - thì ở Burma này, cũ kỹ là đặc sản, như mắm - dậy mùi nhưng ai ăn được thì thấy ngon, đi xa là mắc nhớ, gọi tên là mắc thèm. Anh kiếm một chiếc taxi, đi vào thành phố. Đi chung xe với hai chú sadi, mới sáng sớm, mặt ai cũng chảy dài theo từng vòng bánh xe lăn vô trung tâm, quãng đường di chuyển hơi xa, taxi lại bỏ hai chú ấy đi vào một thiền viện nào đó trong hẻm hốc. Sau một chuyến đi đêm dài, bây giờ thì chỉ muốn đi tắm và đi ngủ. Anh chưa đặt phòng nghỉ, chỉ đưa đại địa chỉ của một hostel nào đó anh đọc thấy trên mạng cho người tài xế, rồi gật gù trôi vào giữa những làn đường thênh thang, cây xanh mướt cả trời.

Đến sớm, cũng may hostel dễ chịu, cho anh check in vào ngay mà không cần phải chờ đến một giờ trưa, không cần cả việc phải đặt phòng trước. Có điều, anh thấy xót xa quá vì mấy đứa trẻ làm chân giúp việc ở hostel này, toàn bộ đều là mấy đứa nhỏ, nhỏ xíu, lớn nhất chắc chừng mười lăm, mười sáu tuổi. Đất nước người ta nghèo, nên trẻ con - cũng là một thành phần lao động chính. Anh tranh thủ nghỉ ngơi một xí, rồi dựng dậy, đi bộ vô thành phố. Cũng may, chỗ anh ở rất gần với khu China town, khu Tiểu Ấn, và gần cả chùa Vàng.

Không Tên là ở lúc anh lê la ở khu chợ trời, đi bộ thôi, đường phố Yangon rộng nhưng nhếch nhác, đường đầy rác, người đông và nhấp nhô, lộn xộn. Những dãy nhà theo lối thuộc địa xưa, một thời quá vãng, nay rêu phong và cũ kỹ, buồn thôi là buồn. Lúc len lỏi qua những ngã tư đường, anh để ý Không tên ở bên lề một phố đông đúc, Không tên bán yaourt, tan lợ lợ lạnh lạnh trên đầu lưỡi. Không tên có một ánh mắt trong veo, mùa thu buồn tênh nhẹ tênh trên đôi tay Không tên gầy nhỏ. Không tên mặc một chiếc longi màu trầm, tóc tết thành bím và nụ cười răng trắng mỏng manh như khói. Thứ khói mùa thu bãng lãng bay bổng và nhẹ nhàng. Một Không tên ngồi bên vệ đường, đôi quang gánh yagourt nhẹ theo từng bước khách lại qua.

Lúc anh mò đường đi qua khu China town, anh vớ đại một Không tên trên phố. Không tên vừa bước xuống khỏi chiếc xe bus, em nhiệt tình dắt anh đi qua mấy ngã phố, bảo để em dắt anh tới tận nơi. Không tên tóc ngắn, da ngăm ngăm, ít khi cười, nói chuyện nhanh và đầy tự tin. Không tên bảo, em không thích đất nước này, em đã từng tham gia các chương trình tình nguyện, được đi ra khỏi đất nước. Với em, Yangon thật bẩn và kém phát triển, đất nước kềm kẹp con người, không muốn cho người ta đi lên, những trì trệ và cũ kỹ đang từng ngày xói mòn hết những con người nơi đây. Chia tay Không tên ở Ngôi chùa Tàu, anh thầm chúc em sẽ có cơ hội phát triển, Myanmar cũng được, Yangon cũng được hay ở bất cứ nơi nào khác, em hãy cứ luôn lăn xả với cuộc đời như vậy nhé. Không tên nhiệt tình và tốt bụng dắt anh qua mấy nẻo đường. Chia tay rồi, có mái tóc tém nào hiện lên trong đáy mắt. Mùa thu Yangon nắng bỗng nhiên thật hiền.

Không tên cũng giúp anh dọn lại kệ dép. Ánh mắt trẻ thơ ngời sáng. Bàn tay bé thơ quen lần áo mẹ đã phải ra đời sớm, dày đặc vết chai. Buổi tối Yangon mưa, mấy sợi mưa thu buồn rười rượi, nhìn ra đường cũng vắng, mới bảy giờ hơn đã lặng tiếng chân người và xe cộ. Không tên ngồi với một Không tên khác, chăm chỉ học tiếng Anh. Chủ cho các em học thêm tiếng Anh để phục vụ cho việc kinh doanh. Em ngọng nghịu đọc chưa tròn vành rõ chữ nhưng chăm chỉ, ngoan hiền. Mấy đứa em của anh ở quê nhà, từng tuổi này vẫn còn được cha má chở đi học, và ngửa tay ra xin tiền. Mùa thu len lén những xót xa.

Anh nhai thử một lá trầu. Mùi hăng hăng cay cay chát chát của lá trầu, của thuốc rê, của mấy loại nguyên liệu khác không tên quến vào trong khoang miệng. Anh giả bộ nhai nhai, chịu không nổi tìm một góc nào đó nhổ xuống, màu bã trầu loang trên phố. Anh thấy răng mình kin kít. Ai biểu tự dưng mắc nhớ những ngày xưa, nhà cô Hai có vườn trầu, phía ngoài cặm mấy cây cau, mấy đứa nhỏ như anh hay lượm mo cau kéo đi khắp xóm. Thấy người lớn nhai trầu, cũng ba trợn lén lấy vôi trét vô lá trầu, kẹp một miếng cau nho nhỏ vô rồi làm ông bà già móm xọm. Cái vị đắng chát cay xè ấy táo tợn theo năm tháng. Lúc lớn lên anh cũng không từng nghĩ sẽ thử lại cái vị khó chịu ấy. Nhưng ở Yangon, ở Burma, ai ai cũng nhai trầu. Những Không tên mặc longi, thoa thanaka và nhai rầu. Anh thấy mình như nhỏ lại, bắt chước những Không tên, anh quện tim mình trong những bệt trầu phai.

Những vết trầu phai theo năm tháng. Những góc phố cũ kỹ buồn thiu đậm dấu thời gian. Những đền chùa dát vàng lộng lẫy, ngày đêm được vạn người bái ngưỡng. Dáng longi nhẹ nhàng từng bước chân sớm tối. Anh ngủ lại hostel một đêm, đêm ấy mưa thu buồn. Sáng hôm sau anh dậy sớm, bắt taxi ra sân bay. Đến Yangon vào buổi sáng, rời khỏi Yangon lúc trời tờ mờ sáng. Anh khe khẽ nắm mở bàn tay mình. Buổi sáng Yangon trong lành, đường rợp bóng cây. Ánh vàng hắt ra từ ngôi chùa Vàng Schwedagon còn vương nơi đáy mắt. Mùa thu lặng lẽ đi qua.

Như những câu chuyện diễm tình, anh nhớ những cô gái Không tên, nụ cười như khói, ánh mắt như mưa mùa thu.


 Đường phố Yangoon



 Chùa Tàu


 Của nả trầu cau

Mùa thu du ký (4) - Vó ngựa Bagan (tt)

Ló đầu ra là hai gương mặt lạ hoắc. Trong bóng đêm bập bùng, mưa không ngớt, anh dụi mắt, hỏi có chuyện gì không? Người ta chỉ vô bảng thông báo, khách du lịch vào Bagan phải đóng phí 15usd. Anh lờ mờ nhớ ra hình như mình đã đọc thông tin này rồi. Cũng không nói gì nhiều nữa, phần vì mệt, phần mưa tạt liêu xiêu hết cả màn đêm rồi. Vội vàng đóng phí rồi leo lên xe, vẫn chiếc xe bán tải với cái thùng xe lắc lư trải chiếu dơ hầy.

Đồng hồ chỉ ba giờ sáng. Ba giờ sáng ở Bagan. Anh lại tiếp tục không biết mình sẽ được chở đi đâu. Mưa thu réo rắt gõ vào đêm những mịt mùng. Anh thiếp đi trong đêm lạnh và màn mưa thu ấy!




Anh bạn lái xe ghé vào một tu viện. Đêm khản đặc trong tiếng của côn trùng kêu, của những con bồ hóng theo ánh đèn xe loang loáng mà tủa về. Sư thầy ra mở cửa. Anh tài xế bỏ dép ra, đi chân trần vào nhà rồi kỉnh lễ với sư thầy. Anh ta quỳ xuống, lạy, thầy gật đầu anh mới đứng lên, ngoắc anh vào trong. Đó là một căn phòng trống, khá rộng, sàn lót chiếu, mọi thứ đơn sơ, mấy bóng đèn hột vịt đỏ choe choét soi những gương mặt ngái ngủ. Anh nhấc nhẹ chân, sợ một tiếng động nhỏ thôi cũng làm cho nơi cửa thiền bừng tỉnh dậy. Không ai nói gì, anh tài xế ra đi, anh ở lại, tự tìm cho mình một chỗ trống - có rất nhiều chỗ trống, đèn tắt, sư thầy lui vào nhà trong, anh nằm xuống, chưa nhắm mắt đã ngủ, giấc ngủ ăn mòn từ sâu thẳm ở trong bụng ăn ra, húp trọn anh luôn.

Giấc ngủ ngắn ngủi ba tiếng đồng hồ, muỗi vo ve làm bạn với anh trong suốt những canh ngắn ấy. Anh trệu trạo nhớ là mình đã làm cách nào đó lôi được chai thuốc chống muỗi ra ve vo khắp mặt mày chân cẳng, và nhiều khi buồn ngủ quá rồi, mệt mỏi quá rồi thì tiếng muỗi kêu cũng như là tiếng đờn, ò e te tí càng làm cho giấc ngủ thêm sâu. Như một phản xạ, anh bật dậy lúc năm giờ sáng. Rọt rẹt dòm ra ngoài sân, thấy trời tối u u, chim đã kêu rình rang, nhưng trong phòng thì vẫn tối hù. Sợ người tài xế đã đến, không thấy mình thì người ta lại buồn nên anh giả bộ bước ra cửa, không biết có phải phép hay không nên đâu có dám mở cửa bước ra đâu, cứ đứng tần khân bên bậu cửa, lấp ló kiễng chân nhìn ra ngoài qua mấy khe cửa xem thử coi có người đến hay chưa. Te rẹt ở đó chừng năm mười phút thì có tiếng sư thầy ở nhà sau đi lên, mở cửa cho anh ra ngoài. Trời mờ mờ tỏ, soi gương mặt sư thầy trẻ măng, hiền khô, anh cúi chào thầy, nói cảm ơn rằng thì là duyên, duyên của mùa thu nên trên đường rong chơi phiêu lãng cuối trời, may mắn làm sao anh được một đêm ngủ lại nơi thiền viện này. Một thiền viện nhỏ, nép trong những vườn cây - thứ cây lá nhỏ xíu xiu rất đặc trưng ở Bagan, và tiếng chim kêu rộn ràng, kéo một buổi bình minh mùa thu về qua từng tiếng chim ca và hơi sương mờ ảo. Khuôn viên của tu viện khá rộng, gồm nhiều căn khác nhau, làm bằng gỗ, mộc mạc và đơn sơ. Sư thầy bảo anh ra ngoài sân sau, ở đó có bồn nước, anh có thể vệ sinh cá nhân cho tỉnh táo. Thầy nói tiếng Anh rất tốt, giọng hiền từ, dáng người thấp nhưng nhanh nhẹn. Anh cảm ơn rồi ôm của nả ra sân sau, ở đó có vài nhà sư đang ... tắm. Họ mặc áo nâu sòng, tắm sáng, xả nước ào ào. Anh thấy tự nhiên hỏi họ có nhà tắm không thì cũng... kỳ, nhưng tắm trần như vậy thì thấy còn ... kỳ hơn nữa nên thôi, đánh răng, rửa mặt rồi bước ra. Giấc ngủ ngắn ngủi của mùa thu làm cho anh lấy lại sức thấy rõ. Hay cũng không biết nữa, ngủ ở chùa, nơi Phật tích này làm anh thấy bình yên đến vô ngần.

Năm giờ hơn thì bác tài xế đến, lại một gương mặt lạ hoắc. Nhưng chả hiểu sao anh cứ thấy mọi việc chả có gì phải sợ, nơi đất Phật này, anh đâm ra tin tưởng người ta một cách vô thần, không đắn đo, không suy nghĩ, cứ thế mà tin vào người. Cám ơn sư thầy một lần cuối, anh vác ba lô vất lên xe, bắt đầu một ngày rong ruổi thành Bagan. Anh chào hỏi chú tài xế, một người đàn ông trung niên, không nói được tiếng Anh, mặc longi, không hút thuốc, vẻ ngoài khá bảnh tỏn và sạch sẽ. Hỏi chú có bản đồ không? (ôi bản đồ, biết bao lâu rồi anh chưa nhìn tới được cái bản đồ, ở Miến Điện này, hình như con người ta không cần đến cái thứ ấy, cứ như có người đưa đường chỉ lối, chỉ là đi. Anh thì thấy không có bản đồ, mình như một người mù.). Nói một thôi một hồi chú mới hiểu được là anh cần bản đồ, lắc đầu, nói không có. Anh hơi nản, không có thì thôi vậy. Sợ không kịp giờ đi ngắm bình minh, nên chú tranh thủ chạy, lát sau anh mới biết, thì ra chú ấy quanh lại vài cây số để về nhà mình, lấy cho anh cái bản đồ. Cái cảnh người vợ chú - một người phụ nữ Miến Điện cực kỳ đẹp (mái tóc vấn, thoa thanaka, mặc longi một màu rất nhã, đứng ở trước cổng căn nhà bằng gỗ, cái cổng dựng lên thô sơ bằng mấy cái cây con con, quanh nhà là những vườn cây cổ thụ in bóng, con đường đá đỏ đẹp mê hồn trong buổi sáng mùa thu trong lành. Người vợ đón anh và chú bằng một nụ cười. Ôi người đàn bà ấy, trong cái khung cảnh mờ ảo buổi bình minh hôm ấy, đã ngơ ngẩn cướp đi một nửa hồn anh rồi!).

Đi ngắm bình minh. Sáu giờ, anh được chú chở đến một ngọn tháp, không lớn lắm, đường vào đền là đường đất, cát lún phún theo mỗi vòng bánh xe lăn. Anh không biết tên, có hỏi, nhưng chú trả lời anh không hiểu, dò trên bản đồ thì do chưa quen nên không tìm ra được, nhờ chú tra giùm thì chú chỉ là Ananda nhưng lúc đi về, anh kiểm tra đối chiếu lại thì thấy không phải. Đền nằm có mình ên, có rất đông khách du lịch tập trung trên đỉnh rồi. Những gương mặt người quen thuộc, hơn phân nửa là những người đã cùng anh đi chung chuyến xe bus đêm từ Mandalay đi Bagan tối hôm trước. Ai cũng bừng bừng khí thế ngắm bình minh ở một trong những nơi được cho là đáng để ngắm nhìn mặt trời mọc nhất thế giới. Anh leo lên mấy nhịp cầu tre (ý da), mấy bậc cầu thang, lên đến đỉnh. Phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía, một vùng rộng lớn, bạt ngàn tháp, bạt ngàn những đồng không mông quạnh. Phía chân trời, mặt trời nhói lên như đốm lửa, ráng đỏ ửng hồng, những tia nắng đầu tiên xiên xéo, nhảy nhót nhẹ nhàng trên mỗi phiến đá, những phiến đá trăm năm. Cảnh đẹp đến ngơ ngẩn cả lòng. Tiếng máy ảnh vang lên, tiếng người xuýt xoa xôn xao. Anh chỉ im lặng, như nuối tiếc như muốn ngừng lại phút giâ này. Bình minh mùa thu Bagan, nắng đã lên, mặt trời rựng hồng phía cuối chân trời. Không vội vã, anh bước những bước cuối cùng ở bậc thang xuống đất. Bắt đầu hành trình rong ruổi Bagan.

Chùa ở Bagan nói riêng hay Burma nói chung thường có bốn cửa: Đông Tây Nam Bắc dẫn vào đền. Đền cũng có bốn ngã, mỗi ngả lại dẫn đến Ban thờ với tượng Phật. Chánh điện luôn có tượng Phật to đep nhất. Không giống chùa ở Việt Nam, sẽ có cửa Chánh môn với Nam tả nữ hữu, một Ban thờ Chánh điện, phía sau thờ Cửu huyền thất tổ hoặc Thờ Chư vị Lão tổ. Khách hành hương đến bái lễ Phật sẽ phải để chân trần, tâm tịnh không vướng bụi trần. Ở đó người sẽ kỉnh lễ Phật theo tuần tự Kora, vòng tròn từ trái qua phải. Khách có thể mua những lá vàng để dâng lên Phật qua nhiều ngày tháng. Có cả hoa nhưng khác với Phật tử ở Lào hay Cambodia, ở đây người ta không thắp hương lễ Phật. Ngoài sân chùa  thường có ba Chuông đồng. Ở đó, khách hành hương hay đến thỉnh chuông. Tiếng chuông chùa trầm bổng dễ lay động lòng người trong tiết trời hanh khô của mùa thu đang chậm rãi qua.

Anh đi qua những ngôi đền Bagan, nao lòng với những hành lang dài, chân trần mát rượi trên nền gạch trăm năm, gió thổi lồng lộng. Đền Htilominlo được xây dựng bằng đất, đẹp và buồn, như những niềm riêng xưa lơ lắc, một thời vàng son, một thời rực rỡ. Qua những thâm trầm, nay đền vẫn còn đó, vẫn đẹp, nhưng buồn. Đền Swezigon Phaya: đền đẹp với những hành lang gấp khúc, buổi sáng nắng vừa lên, vắng vẻ heo hút. Đền Ubethein cũng được xây bằng đất, đền nhỏ thôi, tượng  Phật cũng bằng đất nung, khác với các chùa khác, do chùa nhỏ, chỉ có hai mặt, cảnh phía sau đền đẹp đến nao lòng vì nhìn ra xa là thấy cả một rừng tháp khác. Cũng không thể bỏ qua Ananda Phaya, quần thể chùa lớn và còn giữ được nguyên vẹn nhất trong tổng thể hơn hai ngàn đền chùa ở Bagan này. Ananda với hai vòng trong ngoài, là nơi thu hút rất đông khách du lịch đến đây chiêm ngưỡng, là nơi dân bản địa ngày đêm đến bái vọng. Ngôi đền bên sông Buphaya, với ngọn tháp tròn, rất đẹp màu vàng chóe nằm mé rìa sông. Và Gaw Daw Palin Phaya làm anh nhớ mãi không phải vì bên ngoài chùa người ta bày ra không phải là những quầy bán kinh sách, bán quà lưu niệm, bán thanaka... mà là những mặt hàng thời trang, là mắt kiếng, đồng hồ, nước hoa... Gaw Paw Palin đón anh bằng cơn mưa mùa thu chiều bất chợt. Anh ướt không đáng kể nhưng lúc chạy vội trốn cơn mưa thu, chạy vào chánh điện anh bị trượt chân, té một cái ầm ngay trước cửa chùa. Và thì chào Phật bằng một cách không được chính thống cho lắm, thì thôi mưa trơn và bước vội. Mưa to quá, nước mưa xối xả tạt vào chùa. Rất đông du khách lỡ bước nên tập trung vào chùa, anh tìm một góc nhỏ thanh tịnh nào đó, chợp mắt một tí trước thời tiết mưa nắng bất chợt thế này. Rồi thì Sulamani Pahto, một ngôi chùa rất lớn, anh đến chùa trong tâm trạng gấp rãi vì chuẩn bị nắng tắt sang sông, anh cảm nhận Sulamini Pahto một cách vội vàng, ngôi đền dở dang vì trời ơi sau một ngày dầm mưa và dãi nắng, con người ta đâm ra ớn nhợn với những đền chùa buồn hiu hắt đậm dấu trăm năm, nghìn năm như thế này.

Bagan chào anh bằng cơn mưa khuya. Bagan cũng trêu ghẹo anh bằng một cơn mưa chiều bất chợt. Anh sợ, sợ mưa giăng trời thế này rồi làm sao mà ngắm nắng về trên những giọt hoàng hôn mùa thu trên những ngọn tháp Bagan trăm nghìn năm này? Nhưng mưa đến nhanh rồi cũng tạnh. Nắng lại lên, lại xỏ xiên qua những vòm quá, hong mái tóc người con gái Miến, thanaka lại được dịp rựng lên trong nắng.  Phía chân trời có cầu vồng, lúc anh chạy ngang qua Shwenanday Phaya - một ngôi đền rất to và đẹp, ở cánh đồng dẫn vào đền, anh hú lên cầu vồng, ôi cầu vồng, rực rỡ trong nắng chiều quạnh quẽ, màu sắc này như ám ảnh, một cảm giác ám ảnh, tựa như qua một cơn mưa, mùi của đất váng lên trong không khí quyện với mùi của cây cỏ, của mùa thu, của không gian bình yên tĩnh tại Bagan, làm cho lòng người thơ thới. Là tiếng của mùa thu đang vẫy gọi, là tiếng của trái tim rung lên trước khoảng khắc tuyệt vời của đất trời. Từ Dhammaya Gyi Pahto, anh lặng ngắm mặt trời lặn. Binfh minh và hoàng hôn, tính ra là thời khắc mà lòng anh tĩnh tại nhất. Chỉ cần im lặng thôi, không cần làm gì cả. Nghe tim mình nói, nghe lòng mình buông lời. Lời của trái tim, ừ, là lời chân thật nhất.

Anh rời Bagan vào lúc bảy giờ tối. Một ngày rong ruổi nơi bình yên và trầm mặc. Anh đi qua những dấu chân ngựa buồn, những con đường đất đỏ bụi mù, những bóng cây cổ thụ lá nhỏ xanh rì hai bên đường, những đền chùa nghìn năm, những gạch đất trăm năm. Gương mặt thanaka rựng lên trong nắng sớm, ánh hoàng hôn nào vừa tắt phía lưng đồi. Sau cơn mưa thu, anh gặp ánh cầu vồng, mùi đất đỏ quyện với mùi xưa cũ, Bagan đẹp và buồn. Nếu cần tìm một chốn bình yên, hãy đến Bagan. Bằng một cách nào đó, anh đã say với cái bình yên tĩnh tại và buồn đến nao lòng của mảnh đất này. Có cánh chim nào vừa bay ngang, chim rỉ tai anh, biểu thôi bữa nào bây rãnh thì ghé Bagan chơi, để cho ngày đừng vội, để người được chậm rãi đi với người. Chớ thiệt tình là ở Bagan là anh trôi. Tỉnh ra mới thấy tiếc, sao mà thời gian nhanh quá vậy trời?

Những dấu chân ngựa vẫn buồn.
Như Bagan trăm nghìn năm vẫn vậy!
Mưa mùa thu giăng sương khói.
Sáng nay nhìn trời, thấy hồn khuyết đi một mảnh.
Như có mảnh hồn nào gửi theo giọt mưa thu Bagan

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Mùa thu du ký (4) - Vó ngựa Bagan


Mưa gió bập bùng. Mưa thu nhẹ nhẹ.

Rời Bagan lúc bảy giờ tối. Sau cơn mưa chiều, trời thu mát mẻ. Lòng người phây phây! Những đền đài chùa chiền cũ, ngây ngất những vó ngựa buồn. Là đến Bagan lúc 2 giờ sáng. Mưa rơi âm thầm. Bến xe Bagan âm thầm. Mưa xéo xiên rót màn đêm với ánh đèn vàng vọt, buồn đến ngơ ngẩn vào lòng người.

 Cái lạnh một sớm khuya thu nào với mưa e ấp. Bagan chưa đi xa đã nhớ. Bagan trở về là thương nhớ. Những nhớ với thương vo tròn thành kỷ niệm. Những kỷ niệm thuộc về mùa thu, chênh chao miêng miếc mà sâu đầm không tả nổi.

4. Vó ngựa Bagan

Anh xách ba lô lên chuyến xe đêm đường dài vượt Bagan đi Yagoon lúc bảy giờ tối. Nhà xe phát cho anh đống của nã gồm có bịch khăn giấy ướt, kem và bàn chải đánh răng mini. Xe ghế ngồi, ngật ngừ vượt hơn bảy trăm cây số xuyên đêm đi về cố đô Miến Điện. Nằm trên xe, mùi hoa lài phảng phất (mãi sau anh mới biết, đó là mùi của cái khăn giấy ướt, làm anh cứ tưởng mùi nhang. Nhang với khói chập chờn trong giấc ngủ trệu trạo!). Vòng bánh xe quay quay, chưa gì mà đã thấy nhớ.

Ai đến Bagan đa phần đều chọn xe ngựa làm phương tiện đi lại chính. Cũng đúng thôi, hợp thời và hợp với cảnh. Tuy nhiên, do không có thời gian nhiều, anh chỉ ở lại Bagan từ hai giờ sáng cho đến bảy giờ chiều của ngày thứ hai trong chuyến hành trình ngắn ngủi này, nên anh chọn đi taxi. Thuê một chiếc taxi rong ruổi cả ngày ở Bagan, cảm giác tiện lợi và cũng hay hay, nhìn người ta cà xịch cà tang bên cỗ xe ngựa, nhìn người ta cong giò đạp xe, nhìn người ta lại lại qua qua, nhanh chóng và mất hút, cũng có cái thú riêng của nó. Anh đơn giản nghĩ rằng mọi thứ đều là duyên. Là duyên thì không cầu không cưỡng duyên cũng tới. Anh khám phá Bagan theo cách của riêng mình. Âm thầm cảm nhận, âm thầm đi qua, không đắn đo, không hoài vọng, không mệt mỏi. Nhưng ai mà biết được, sao tự nhiên đi về nhà rồi, yên ổn hết mọi thứ rồi, thì lại thành ra thương nhớ Bagan hết sức!

Bagan là thành cổ nổi tiếng của Miến Điện, xây dựng từ thế kỷ thứ 9, phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 13. Bagan gắn liền với quần thể đền chùa đồ sộ. Ở đây, đường đá đỏ trải lối, những vạt cây cổ thủ với muôn hình vạn trạng, đẹp đến mụ mị cả người. Thu Bagan rựng trong nắng, nhiều khi đang chang chang nắng lại đổ mưa rào, mưa xong rồi lại nắng tiếp, nhưng nắng đã bớt hanh, mùi đất mới rộn lên theo từng cánh mũi, phập phồng. Và những con đường đá đỏ mới chập chùng bụi, qua cơn mưa chưa kịp ướt đất trở nên hiền hòa. Khách du lịch tới đây, thích thú đi qua hết những mưa nắng đất mù bụi đỏ đó, hợp thành những điểm quyến rũ rất riêng của thành cổ Bagan vẫn còn ngái ngủ trong những giấc mơ nghìn năm thiên lý. Bagan cổ, Bagan buồn và Bagan quyến rũ trong cái cổ cổ, buồn buồn, thiếu thốn và ẩm ương mưa thu ấy!

Chuyến xe từ Mandalay vắt một cái tới Bagan, thả anh xuống bến xe thuộc khu New Bagan lúc chưng hửng hai giờ sáng. Mấy ánh đèn vàng vọt tỏa xuống bến xe vắng ngơ ngắt những chùm sáng mờ ảo. Mưa, nhẹ nhẹ nhưng đủ để ướt áo mất tiêu rồi. Anh không có đặt nhà nghỉ ở Bagan, định tìm chỗ nào đó, nghỉ tạm đôi chân này, sáng lên lại đi, ngắm mặt trời mọc ở một trong những nơi mà người người ước mơ một lần được chiêm ngưỡng ánh bình minh rạng ngời trên những lắc lẻo đền đài cũ kỹ. Nhưng New Bagan là chỗ nào? Bến xe mới được dời ra, nằm heo hút ở tuốt luốt thẻo đất mút cà tha nào đó, vắng vẻ hiu quạnh, không có một chỗ nghỉ lưng, mấy nhà xe thì đóng cửa, nhân viên ngủ còng queo trên nền đất (kế bên có cây xăng, đang xây dựng, anh lếch thếch mò qua, thấy cái cảnh người ta mặc longi ngủ tềnh hênh nhìn muốn bỏ chạy, sợ quá!). Cánh tài xế bến xe bu đen bu đỏ, mời cái này, mời cái kia. Đêm lạnh, mưa buồn, lùng bùng lỗ tai. Anh ngơ ngác nói với một ông tài xế nào đó, làm ơn, tôi muốn kiếm một chỗ ngủ, chỉ cần ba tiếng đồng hồ thôi, miễn phí, sau đó thì tôi muốn thuê một chiếc taxi, đi từ bình minh cho đến hoàng hôn, làm ơn, tôi buồn ngủ quá rồi. Ông chú tài xế nói tiếng Anh bập bẹ, nói với anh yên tâm đi, để ông giúp cho. Anh ngồi chong ngóc ở một chái hiên một quán cà phê đêm nào đó, ngồi nhìn ra thấy hạt mưa bay bay, đôi mắt dấp díu phản đối vì muốn ngủ. Mông muội thế nào rồi anh liều mạng leo lên một chiếc xe bán tải, ngồi ở thùng xe phía sau, mưa tạt vô ram ráp ướt. Phía buồng lái là một cậu trai lạ hoắc (ông tài xế đã đá anh qua tay của cậu này, không thương tiếc, chỉ nói yên tâm đi, em của tao!). Cậu trai nói với anh là có chỗ ngủ rồi, một thiền viện nhỏ, sư sẽ cho anh ngủ nhờ ba tiếng đồng hồ thần thánh, sáng, là có người đến đưa anh đi. Anh lên xe. Xe tải rồ máy chạy đi đâu đó, đêm sâu thẳm, đường không có ánh đèn. Màn mưa nuốt chửng anh với cơn buồn ngủ vào lòng. Xe chạy khoảng mười phút (hay cỡ đó) thì ngừng lại. Ló đầu ra là hai gương mặt khác lạ hoắc, hai người đàn ông trung niên, nói xuống xe, đưa tiền ra. Anh ngơ ngác, đứng hình. Hay là gặp trấn lột rồi đây?

.....

Anh cố viết cho nó hồi hộp thế thôi, chớ không sao đâu, anh đã trở về, mọi chuyện đều ổn. Dân Bagan hiền lắm. Mà thật ra là hiền hay không, là do mình cảm nhận. Nếu nghĩ theo cái kiểu dân du lịch bị mấy tay hàng rong tào lao đu bám, mệt hết sức, thì sẽ thành ra mệt thiệt. Nhưng như anh, nhìn mấy người hàng rong, thấy họ đa phần đều nghèo, họ thoa thanaka, họ cười rạng ngời trong nắng. Nắng thu làm cho lòng anh thấy bình yên lạ, anh mua giúp họ, và anh thấy nắng thu mỉm cười. Đại loại là như vậy. Anh đi, thấy mùa thu Bagan ấp ôm trọn vẹn những vòng tay.

Và chắc ăn là sẽ còn tiếp.