Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Mùa thu du ký (3) - Chạy theo ánh mặt trời (b)

Có lúc anh chỉ muốn như thế này. Đong đưa chân trên những nhịp cầu gỗ teak trăm năm, nghìn năm. Như có như không mà vui vẻ với ánh mặt trời le lói nơi cuối chân trời.

Lúc về nhà, anh lục lại tấm ảnh hoàng hôn trên Ubein làm ảnh cover trên trang cá nhân. Những lúc anh mệt mệt, ghé ngang qua dòm một cái, thấy đời khỏe khoắn, thấy lòng mình thanh thản. Để có được những phút giây ấy, anh đã giẫm lên giọt tà dương cuối cùng của ngày, trong một buổi Mandalay hanh nắng. Thứ nắng mùa thu ve vãn lòng người.

3. Chạy theo ánh mặt trời (b)

Quyết định không đi King Palace, phần vì bác tài xế cứ nhiệt tình hối thúc, thôi chú đừng đi vô trỏng, có cái gì ở đó đâu, chán ngắt chán ngơ, buồn thiu. Thì thôi, coi như cả giờ đồng hồ lượn lờ bên ngoài hào nước, nong sâu không biết thế nào nhưng cái nắng thu Mandalay đã muốn trở thành bạn, cứ tam táp vào mặt làm anh muốn khùng luôn rồi. Bác tài xế vạch ra cho anh kế hoạch xông pha khám phá Mandalay trong chưa đầy một phút. Anh nên đi chỗ này, anh đừng nên đi chỗ kia, chỗ nọ cần phải đến, chỗ đó nữa - nhất định phải đến. Anh giữ cho mình quyết định duy nhất, làm gì làm, đi đâu thì đi, anh nhất định phải ngắm hoàng hôn trên Ubein - là cây cầu đó, anh rõ ràng như vậy. Thì bắt đầu đi.

Mandalay hóa ra cũng nhỏ bé, anh nắm gọn hơ trong một bàn tay (đó là anh nghĩ vậy, chớ nhỏ bé rộng lớn gì khi anh chỉ dành quá ít thời gian cho thành phố này). Chỉ có ba giờ đồng hồ, anh bắt đầu chạy lên đồi. Mandalay Hill - ngọn đồi mà vùng và thành phố này cùng mang tên - là biểu tượng của cả thành phố. Đồi cao chừng 200m, có thể đi bộ lên, nhưng anh đi taxi, bác tài xế thạo tay, đánh tay lái ào ào trên cung đường dốc, nhiều cua ngoặt, anh chỉ muốn lộn cổ. Chiều tà dần buông, bác tài càng thêm đưa đẩy, ngừng dưới chân đồi cho anh hí hoáy với hai bức tượng Sư tử đá trấn chùa chụp vài bô ảnh, rồi hối thúc lên đường.

Đường đồi hai bên cây xanh ngăn ngắt, thời gian cũng không còn sớm nên không thấy ai đi bộ lên chùa cả. Anh thấy lạ, có bận nghe người ta bảo, dân trong vùng mãi cho đến ngày nay vẫn còn mang đá lên xây chùa. Hình ảnh những con người nhỏ bé, ngày ngày cặm chân vào đất bước từng bước lên đồi mang theo từng viên đá góp lên xây chùa gợi cho anh một niềm ngưỡng mộ thành kính không tả nổi. Rất tiếc, đường thì vắng, chiều thênh thang, nắng hanh vàng, và bác tài xế chạy nhanh không kịp thở.

Trên đỉnh của Mandalay hill là chùa Sutaungpyei Pagoda (anh không biết đọc thế nào cả). Như tất cả những chùa chiền khác trên vùng đất này, cần phải đi chân trần lên chùa. Đường lên có thang máy, có thang cuốn, anh đi chân trần lên chùa. Cảnh chùa cũng bình thường thôi, sức vàng rực rỡ hòa với ánh nắng chói chan của ngày sắp tắt khiến anh chói hết cả mắt. Dân đi lễ khá đông, đủ để mọi nơi đi qua đều có dáng longi âm thầm phệt vào trong ánh mắt. Từ đỉnh Mandalay có thể phóng tầm mắt ra khắp bốn phía của vùng. Mandalay rất xanh, cây cối và đất đai còn nhiều. Đô thị hóa ngấp nghé bên bờ tường thành King Palace rồi nhưng ai biểu dân Mandalay nói riêng và dân Burma nói chung vẫn còn nặng nề những giáo điều nhà Phât, họ giữ gìn những truyền thống văn hóa như những hơi thở của mình. Đó là lý do mà dù Mandalay được xếp vào hạng thành phố lớn, nhưng vẫn đậm đặc mùi của những truyền thống cũ kỹ. Cây xanh ngan ngát mắt người. Ai biết được, nhiều khi anh đến đây, đơn giản chỉ vì những thứ cũ kỹ như thế.

Dừng lại khoảng nửa tiếng, anh bắt đầu đi xuống đồi. Bác tài mải chơi, quên mất tiêu hành khách. Anh phải chạy đi kiếm, hỏi người này hỏi người kia, chỉ chỉ cái xe nói có ai biết sếp lớn của tôi đâu không? Bác tài béo béo duyên duyên râu quai nón chạy ịch đụi đi chơi rồi ịch đụi chạy về, mở cửa xe, khéo léo nói nóng quá ha để mở máy lạnh lên cái đã. Anh dịu xuống cái một. Lại tiếp tục đi. Lúc vòng về qua ngã Tây của Hoàng cung, là chợ chiều - khu chợ bày đầy hàng rong, những thức ăn đường phố, dơ hầy, hong mình trong khúi bụi của đủ loại xe cộ. Đông đúc và náo nhiết, anh thích. Nhờ bác tài dừng xe lại, anh lúi húi phang xuống hòa vào dòng người, chen vào chỗ này, dừng ở chỗ kia. Mua một bị to đủ các thứ bánh trái chiên xào ngọt lạt có đủ. Lên xe, anh mời bác tài xế, bác béo bụng ấy chỉ cười, nói cám ơn nhưng nhất quyết không ăn. Không ăn thì anh ăn một mình, thấy ngon nhưng dơ quá. Lỡ mua nhiều nên anh đành cầm trên tay, vướng tay quá nhưng tìm mãi không thấy chỗ vứt rác. Ăn nhiều, cái bụng kêu lộp cộp, chỉ sợ có vấn đề về tiêu hóa thôi. Chiều bắt đầu chênh chao, mặt nước hào sâu sáng loáng những giọt tà dương le lói.

Xe dừng lại ở Mahamuni. Lại một ngôi chùa khác, rất nổi tiếng không chỉ ở Mandalay mà còn ở khắp vùng Miến Điện này. Chùa Mahamuni Buddha là một thánh tích Phật giáo linh thiêng, thuộc triều đại Konbaung xây dựng vào năm 1785 để thờ phụng một bức tượng Phật mà người Phật tử Miến Điện rất mực kính ngưỡng, bởi vì bức tượng này được cho là tạc vào thời Đức Phật còn tại thế. Một số người tin rằng, có năm bức tượng được tạc vào thời Đức Phật, trong đó có hai bức ở tại Ấn Độ, hai bức ở tại thiên giới, và bức thứ năm là bức tượng tại chùa Mahamuni. Nhiêu đó thông tin đủ để anh phải dừng chân thật lâu trước bức tượng Phật dát vàng lộng lẫy, tư thế Phật ngồi thiền định, khuôn mặt tròn, tai dài có khuyên, trên đầu Phật đội nón, mình khoác áo bào. Phật tử Miến Điện ngày đêm đem lá vàng đến dát vào tượng Phật. Có thông tin rằng lớp vàng trên tượng dày khoảng 15cm, anh không có cơ hội được chạm vào Phật, nhưng bằng sự kính ngưỡng, anh cúi đầu, lạy và cầu nguyện dưới chân Phật. Cầu quốc thới dân an, cầu gia đạo bằng an. Anh có tôn giáo của riêng mình, nhưng vào chùa thì bái Phật, là điều má anh dạy thuở anh mới giêng hai, nhỏ tí đội mấn theo má lên chùa.

Anh thỉnh chuông ở Mahamuni, tiếng chuông chiều văng vẳng, thanh trong chìm lơ lắc trong những bước chân anh vội vã chạy trở ra. Gần năm giờ rồi? Còn kịp thời gian đi ngắm hoàng hôn trên Ubein hay không? Bác tài xế cười hiền khô, nói anh lên xe đi, đừng có lo, mọi chuyện rồi cũng sẽ kết thúc, sớm thôi mà. Taxi xuyên qua những dòng người vội vã, chắc do anh vội vã nên thấy mình không phải đang đi, mà đang trôi. Những con đường với những hàng dài tượng Phật điêu khắc, những mái nhà gỗ nhỏ bé, những con người mặc longi chạy xe máy nhét smart phone bên hông, những gương mặt nói cười, những má cô gái hay hay rựng màu thanaka... Vội vã anh trôi trong buổi chiều tà. Thu Mandalay vội vã, có kịp chờ anh bên bến sông hay không?

Cầu Ubein ôi cầu Ubein, lúc anh quyết định đi Burma, là lúc anh cứ lần giở mấy bức ảnh hoàng hôn chậm rơi trên cầu, đẹp đến mụ mị cả người. Bây giờ anh đang sắp được chạm vào cây cầu trăm năm ấy, ngắm hoàng hôn ở nơi nức danh là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Trời mùa thu nắng vương vất, nhưng nắng sẽ tắt hoàng hôn sắp tàn rồi. Xe chạy, anh trôi trong giấc mơ sắp bị vỡ tan về một buổi chiều tàn. Con đường nhựa chạy vào khu vực cầu bắc qua những thôn xóm nhỏ, tàn tạ rệu rã với những mái tranh liêu xiêu. Sao nơi này thu hút nhiều khách lạ người xa tới đây vãn cảnh ngắm hoàng hôn ngắm chiều rơi mà sao dân nơi đây vẫn nghèo. Anh xót xa mà cám cảnh. Nhớ ra ủa ủa sao mình lại buồn?

Ubein nằm ở ngoại ô thành phố, cầu bắc ngang qua hồ Taungthaman, với chiều dài khoảng 1,2km. Cầu hơn 160 tuổi, đã được công nhận là cây cầu gỗ dài nhất thế giới. Mặt nước hồ Taungthaman phía bờ đục ngầu, do vòng quanh hồ là cơ man những quán xá, kiểu như nhậu quán vườn ao cá ở Việt Nam, ô nhiễm. Anh thấy có chút thất vọng, thì đâu ai bắt nước phải xanh trong thấy đáy cho mỹ nhân rửa chân ngắm nhan sắc, nhưng đục ngầu màu cà phê sữa thì cũng đáng thất vọng thật. Khách đi cầu rất đông, nối dài suốt chiều dài cả cây số. Hoàng hôn đang chậm rơi, mặt trời nhiễu những giọt tà dương cuối cùng phía cuối chân trời. Anh hối hả vượt qua những cột gỗ đầu tiên, sải chân men theo đến giữa mặt hồ. Nước hồ thay đổi, trong xanh hơn, và hoàng hôn cũng đẹp hơn, và lòng người... mệt hơn.

Anh bị ảnh hưởng bởi mấy món ăn vặt đường phố, đau chói lói. Anh cầm cự ngắm hoàng hôn "đẹp nhất thế giới" ở "cây cầu gỗ teak dài nhất thế giới". Mặt trời đỏ như chảo lửa, từ từ chạm dưới đáy chân trời. Một trời nước một trời mây, gió thu chiều nhẹ nhẹ, những cọc gỗ trăm năm, những chiếc thuyền nhẹ trôi trên mặt hồ thu. Cảnh đẹp đến nao lòng. Anh cầm cự, cảnh đẹp cảnh đẹp mà. Rồi chịu hết nổi, anh băng ngang qua hết chiều dài cầu, đi bộ hơn một cây số, chiều dần buông, nắng tắt, anh sang sông.

Khi giải quyết xong (vất vả và đau khổ, không thấy đường, không biết giải quyết nơi đâu), thì trời đã chuyển tối thui. Cây cầu thơ mộng, đông kín người bây giờ quạnh hiu vắt một lằn mỏng manh qua mặt hồ nước. Đâu đó có bóng người, những người vội vã trở về sau những phút giây thanh thản nhẹ nhàng ngắm ánh tà dương. Anh bây giờ chắc ăn là nhẹ nhàng và sảng khoái, bước thấp bước cao trở về. Những cái đầu ló lên dưới sông, là những người đi mò cá buổi tối, những xâu cá nặng theo tay người đi trên mặt cầu. Nhưng thì sao? Anh bị hấp dẫn mất tiêu rồi bởi một thứ khác, còn hấp dẫn hơn cả hoàng hôn và mặt trời.

Là ánh trăng, trăng gần rằm tròn vành vạnh, ánh sáng dịu nhẹ lan tỏa trên mặt nước. Anh đến miền đất Phật vào mùa trăng, chưa phải rằm nhưng ánh trăng cũng đã gần đầy đặn. Trên quãng dài hàng cây số, cầu Ubein không một ánh điện, chỉ có ánh trăng soi đường, ánh sáng lăn tăn nhẹ nhàng, tiếng chim gì kêu gọi bạn giữa đêm buồn. Đôi bờ sông nhập nhờ những ánh sáng quán xá. Anh chỉ muốn đi thật chậm, thật chậm để thả mình vào những phút giây này. Cần gì ánh điện, chỉ cần ánh trăng soi chân anh bước, bình yên và trong trẻo đến lạ lùng. Đường về thênh thang. Nhiều khi là duyên, anh bị đau bụng nên phải bươn bả hết cả chiều dài cây cầu. Sau đó lại phải quay về khi ánh trời đã tắt. Mò mẫm đi trong đêm tối, yên ả và vắng tiếng người. Đêm sáng trăng, lại được hít thở cái không khí lành lạnh của ngày thu nơi mà chỉ vài khắc trước đây được mệnh danh là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Tất cả đều là duyên, là duyên nên trân trọng cất sâu trong đáy lòng, sợ mất.

Là một trong những chiếc taxi cuối cùng rời khỏi bãi xe Ubein. Anh được bác tài xế chở ra bến xe Mandalay, tối nay anh sẽ rời đi Bagan. Bến xe giờ cao điểm, tấp nập và bụi bặm. Anh mua vé bus chuyến cuối cùng đi Bagan. Ngủ gục ở nhà xe chật chội, chưa tắm rửa, chưa ăn uống. Như một khạp mắm lâu ngày chưa mở, anh nhọc nhằn nhắm mắt ngủ vội. Chờ ngày mai trời sáng, chờ ngày mai nắng lên. Chạy theo ánh mặt trời, theo một cách nào đó, rời bỏ ánh mặt trời.

 
Hoàng hôn trên Ubein

King Palace Mandalay

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Mùa thu du ký (3) - Chạy theo ánh mặt trời (a)

Bên cạnh những đêm ngủ lang trên xe trong những chuyến di chuyển từ thành phố này qua thành phố khác, bên cạnh những đền đài âm thầm, những khuôn mặt người thoa thanaka rựng lên trong nắng, dáng longi lệt phệt rót vào hồn người, bệt trầu phai trên mỗi góc phố... Anh gói theo về làm quà những ánh bình minh rạng rỡ, của ánh tà dương huy hoàng. Nếu nỗi nhớ ăn được, chắc anh đã đem ra nhai rôm rốp nỗi nhớ tan hoang rồi.

Là ánh mặt trời và hoàng hôn chưa tắt phía cuối chân đồi

3. Chạy theo ánh mặt trời (a)

Để có đủ thời gian đi ngắm mặt trời mọc ở Ubein, theo dấu ngựa lóc cóc khắp Bagan, ở Yangon thì uống nước mía và lạy Phật ở Swedagon, leo đồi leo núi lên ngắm Golden Rock và cuối cùng là xuôi thuyền đi Inle, thường Mphải kéo dài từ năm đến bảy ngày. Đó là hành trình thông thường của dân bụi đi Burma. Anh không có thời gian, anh chỉ có đúng ba ngày và ba đêm cho chuyến đi chớp nhoáng về miền đất Phật. Vậy nên anh vạch ra cho mình ba điểm đến: Mandalay, Bagan và Yangon. Lúc bắt đầu đặt vé, anh đã nghĩ rồi làm cách nào mình đi cho bằng hết ba điểm này?

Anh chọn Mandalay làm điểm dừng chân đầu tiên, từ Bangkok. Máy bay đáp xuống sân bay Mandalay, nhỏ xíu, quạnh quẽ lúc mười hai giờ rưỡi. Cảm giác đầu tiên Mandalay gõ vào lòng anh những nhịp chập chùng. Không phải lần đầu tiên anh bước qua những sân bay lặng lẽ và nhỏ bé như thế này, nhưng Mandalay đem đến cho anh cái cảm giác thật bình yên, nhỏ và bình yên thật khác. Hình ảnh những người đàn ông và đàn bà, trong bộ longi bước đi nhỏ nhẹ, đôi lúc họ sẽ ngừng chân, sửa lại bộ longi giữa chốn người qua cứ nhẹ như không. Anh ấn tượng với hình ảnh ấy. Phố vẫn đông người, đã qua biết bao đổi thay của thời cuộc rồi, nhưng người ở nơi này vẫn giữ nguyên những nếp sống từ rất nhiều nhiều năm về trước. Truyền thống, là những thứ quý giá mà nơi anh ở, đã dần bị mơi một đi, phai lợt đi ít nhiều rồi.

Sân bay Mandalay nằm ở ngoại ô của thành phố, cách trung tâm khoảng 45km. Ít người biết sân bay nhỏ bé này lại là nơi sở hữu đường băng dài nhất châu Á (hơn 4.000m, trong khi Tân Sơn Nhất của mình chỉ khoảng hơn 3.000m thôi). Anh di chuyển vào thành phố bằng shuttle bus của hãng bay. Trên đường trung chuyển, anh ngồi cạnh cô gái trẻ - Carol, người Đức, dân Berlin. Cô gái trẻ trung, sôi nổi và thân thiện, kể mãi cho anh nghe về chuyến đi bụi đầu tiên của cô, ngay sau ngày tốt nghiệp đại học. Cô ngạc nhiên trước một Bangkok tràn đầy màu sắc của những chiếc xe máy, kẹt xe, của chùa chiền và những nụ cười. Anh nói với cô hãy đến Việt Nam để thấy cuộc sống đường phố nơi này còn thú vị hơn nhiều. Anh cũng hẹn cô nếu đến Việt Nam, hãy báo cho anh biết nhé. Những câu chuyện trò lặt vặt làm cho quãng đường di chuyển ngắn lại. Nhìn ra phía bên ngoài, chỉ thấy toàn cây cỏ và những trảng xanh vắng ngơ ngắt. Mùa thu đi qua nơi này, chỉ chừa lại trơ trọi có nắng và những vệt khói xe tản mác sau mỗi chuyến shuttle bus đi qua. Thật sự ngoài chiếc shuttle bus của mình, anh không còn thấy chiếc xe nào khác di chuyển lại qua trên con đường trải nhựa láng e nữa.

Xe vào Mandalay lúc khoảng hai giờ chiều. Anh nhanh chóng phác thảo ra cho mình một lộ trình di chuyển để kịp thời gian bắt xe bus đêm từ Mandalay đi Bagan vào lúc tối muộn. Mandalay nằm ở Thượng Myanmar, là thành phố lớn thứ hai ở Burma, thuộc vùng Mandalay rộng lớn. Tính ra, chỉ có khoảng bốn giờ đồng hồ cho thành phố sôi động và náo nhiệt bậc nhất ở đất nước này. Xe cộ chạy như mắc cưởi ở trên đường, đơn giản thôi, anh đang ở khu trung tâm Mandalay mà. Bến xe bus AirAsia nằm rất gần King Palace. Đường phố rộng và rất thoáng. Phương tiện trên đường có xe máy (anh hơi ngạc nhiên, sao lại bảo ở Burma chính phủ cấm xe máy mà), xe lam, xe bus và nhiều xe hơi. Dân đa phần mặc longi, nhét điện thoại di động bên hông, chạy ào ào trên phố.

Nhưng người vẫn đi bộ. Những người đàn bà vận longi khoan thai giữa ánh nắng mùa thu dát vàng trên những nẻo đường. Giẫm lên những vệt trầu phai trên phố, anh bắt đầu hành trình ngắn ngủi khám phá thành Mandalay. Cánh chim bồ câu sải cánh tung trời, trời thu Burma không quá gắt gỏng, thoảng chút hương xa nhè nhẹ như chào mời người bạn lạ xa. Anh đeo ba lô đi bộ hàng cây số, từ bến xe Air Asia đi King Palace. Vọng canh kinh đô hoàng triều cuối cùng của Miến Điện thâm trầm nơi xa, phía ngoài là hào sâu, mặt nước phẳng lặng êm đềm. Bờ bao Hoàng cung bao đời nay là mạch nước hào xanh với những hàng cây phủ bóng này. Không gian trưa tĩnh lặng, anh bước vô cổng, do không có bản đồ nên anh vào nhầm cổng rồi, không gian trưa trở nên nóng nảy vô cùng. Cuốc bộ hàng cây số rồi, giờ lại nhầm cổng, ở Hoàng cung, khách nước ngoài chỉ có thể vô mỗi một cộng cố định nằm ở phía Tây, vé vào cổng là 6usd mỗi người. Anh bỏ cuộc, đứng ra đường vẫy taxi, những chiếc xe taxi chạy vụt qua, không giống như ở nơi anh ở, nếu taxi có khách, đèn hiệu sẽ báo, anh sẽ nhận biết. Nhưng ở nơi này, taxi cứ chạy hà rầm. Sau hơn nửa giờ đồng hồ bươn mặt ra đường vẫy taxi nhưng kết quả toàn là những cú vụt qua không chút gì lưu luyến, anh mất mát rệu rã đánh liều vẫy đại những chiếc xe bus công cộng. Những chiếc xe ken đặc người, những gương mặt người với thanaka rưng rức. Đông và quánh đặc.

Nhưng xe bus cũng không thèm đoái hoài đến người phương xa. Anh đau khổ nhận ra trời ơi nếu như lúc nãy ở cổng vào King Palace - cái cổng có vọng canh bằng gỗ, muốn qua phải đi qua cây cầu gỗ tếch nhỏ đẹp rụng rời. Ở đó, có mấy cậu thanh niên chạy xe ôm cứ nằng nặc đòi chở anh qua bên phía cổng Tây, nhưng cái đòi tiền cao vói nên anh thẳng thừng từ chối. Bây giờ thì nắng mùa thu giữa trưa xiên xẹo soi mặt anh thẩn thờ chán nản. Định bụng kiếm đại bác xe ôm nào đó nhờ chở đi quá vội, nhưng mà trời cũng phũ phàng với lòng người. Những người anh đinh ninh làm nghề xe ôm - thì họ có hai chiếc mũ bảo hiểm, đứng ngồi nơi ngã ba, ngã tư đường - anh hỏi đều lắc đầu không phải là dân xe ôm rước khách dọc đường. Cuối cùng, anh nghỉ lại bên đường, thất thơ thất thiểu, mùa thu đi qua thấy chán mất một nửa. Vọng gác Hoàng cung nhìn từ xa cho đến lúc chạm đến gần tay cũng thấy ơ hờ, hào nước xanh trong đẹp đẽ làm chi để soi bóng người mệt mỏi. Hàng cây bao quanh in bóng lúc nãy thấy mát mẻ tươi ngời giờ bỗng dưng đâm ra nổi quạu, cây cao bóng cả che mát mặt người nhưng chân vẫn phải bước, phải mỏi vì đường xa, xe cộ đông, mặt người thì nóng. Những lúc như thế, anh tự hỏi, có đáng phải khổ sở như vậy không?

Có đáng phải khổ sở như vậy không? Câu hỏi ấy anh lặp đi lặp lại suốt quãng đường đi của mình. Chuyến đi khẳm vì bụi, lọc cọc những mồ hôi và cực nhọc. Nhưng có trải qua rồi, ai nghĩ sao anh không biết, chỉ tự chân thấy vui và xứng đáng để anh trốn làm bỏ đi tang bồng. Anh ngồi giữa gốc cây nơi ngã tư đường, rồi có anh tài xế taxi quay lại, nói lúc nãy tôi thấy cậu vẫy bên đường, tôi quay lại là để chở cậu đấy, lúc nãy tôi đang bận khách, giờ tôi đã quay lại rồi. Rất nhanh, tôi leo lên taxi, nói nhanh với anh rằng chiều nay tôi phải đi Bagan rồi, bây giờ là ba giờ hơn rồi, tôi muốn đi một vòng Mandalay, anh có ý kiến gì hay không? Anh tài xế - tên gì tôi quên mất - vui vẻ nhiệt tình vạch ra cho tôi một số điểm đến: đừng đi Hoàng cung, nó sát bên ấy, nhìn bên ngoài vọng gác lầu cao hào sâu đẹp đẽ, chễm chệ nhưng bên trong chả có gì (anh ngờ rằng chắc do người ta là dân nơi đây, uống nước nơi này, nên thấy trong hộp là những thứ bình thường quá đối, chớ với anh, chắc chắn mở hộp ra, sẽ có nhiều điều để khám phá chớ), Hoàng cung có tốn phí, 6 USD cho một lượt ra vào, cậu đừng đi. Đầu tiên đi Mandalay Hill, sát bên, gần xịch, chạy một phút ba mươi giây là tới. Xong rồi thì đi chùa, đến Mandalay mà không đi chùa, là thiếu sót, nhưng ủa, có nhiêu đó thời gian hả, đi MahaMuni thôi vậy, chùa này to lắm. Đi tu viện Shwenandaw nữa, và cuối cùng, chốt hạ khi ngắm hoàng hôn ở cầu Ubein. Rồi thôi, thỏa thuận giá cả xong, lên đường. (Thực sự anh biết giá thuê xe như thế là đắt, nhưng sau những dãi dầu nắng nóng, anh cảm thấy thôi thì nhiêu đó cũng đã đủ rồi. Vả lại, anh taxi cũng vui vẻ và nhiệt tình, dáng người mập mạp râu quai hàm nhìn lún phún nói chuyện có duyên. Gặp nhau là duyên, thì nên kết. Vậy thôi!)

Duyên đưa anh đến, duyên đưa anh về. Bắt đầu hành trình chạy về phía mặt trời