Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

GIỜ TRÁI ĐẤT!

Thật tình là năm ngoái, giờ trái đất, tôi đã được tận hưởng một giờ không đèn, và hơn thế nữa, một giờ không tivi, internet hay những vật dụng liên quan đến điện! Tuy nhiên, khi tôi chia sẻ điều đó với bạn bè trong lớp, hổng ai thèm tin! Mặt bạn Liên hoàn toàn nghi ngờ về câu trả lời của tôi với câu hỏi: Bạn đã làm gì trong một giờ không đèn!

Một giờ tắt đèn ấy thế nào cũng sẽ có một vụ kẹt xe do đèn giao thông bỗng dưng không còn hoạt động! Con nhỏ môi đỏ tóc xanh hung dữ lầm bầm, cái thứ gì làm cho bữa nay tự nhiên cái thằng đèn đóm tắt hết ráo, đụng thêm cái vụ kẹt xe làm con nhỏ đến địa điểm quen trễ giờ, dám chừng trong lúc đó có mấy ông sồn sồn tạt ngang, mối xộp, mà hông thấy nó lại đi mất! Thiệt tình tức ơi là tức!

trong khi con nhỏ lòe loẹt làm nghề ăn sương ấy đang tức anh ách thì thằng ăn trộm cười thầm, nhà nào cũng tắt đèn, mà cái xứ này đêm về chật chội, nực nội, bà con đổ ra đường, hè hè, cơ hội ngàn năm cho một đêm kiếm cháo! Một giờ không đèn tính ra cũng hay, tạo cơ hội cho mấy thằng lưu linh tiểu tốt như nó ra tay! Phải chi còn nhiều đêm nữa, chắc ăn đời nó sẽ lên như diều!

Nhiều người ơ hờ, trời đất cơi có một giờ tắt đèn thì bõ bèn gì, tôi sống ngay giữa đô thị nghe đồn là sa hoa, hào nhoáng nhất đất nước mà có cần chi điện đóm gì đâu! Cái thằng người ấy dường như bị bỏ quên trong ngục tối, ngày thường còn có ánh đén ngoài hành lang gõ nhịp cho nó biết ngày đêm, nhưng bữa nay thì tự dưng tối thui! Và nó thì ơ hờ dòm lên trần sà lim, gõ gõ con dao thủ sẵn trong mình! Khi đèn hành lang sáng lại, cửa sổ nhà lao đã bị phá, ngục tù trống trơn! Mấy cái phòng kế bên y chang!

Giới sinh viên thì khác, lăn xả mình vô phong trào hưởng ứng cái gọi là một giờ tắt điện để bật sáng tương lai! Tụi nó tập trung giữa quảng trường, giơ coa ngọn nến, mặc đồng phục để quảng bá cho chương trình, hát mấy bài ĐOàn hội, thanh niên! Một giờ đối với tụi nó chưa đủ, tụi nó phải đến sớm thiệt sớm, về trễ thiệt trễ, lâu lâu mới dịp tụ tập bạn bè mà! Một giờ tắt điện tính ra bằng cả tuần chuẩn bị, chạy chương trình... Chỉ biết sau khi tụi này cuốn gói về hết, cái bà lao công già chống nạnh ngán ngầm: thiệt tình tụi bây tổ chức cho tao mệt hơn ngày thường, rác rến xả bừa tùm lum tùm la! Một giờ của tụi bây là tặng thêm cho bà già một giờ ngợp mình trong đống rác! Ủa, mà hình như nghe nói rác cũng gây ô nhiễm cho môi trường lắm mà!

Bà giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn đi qua quảng trường, nơi tụi sinh viên đang tất bật cho chiến dịch gì đó mà bà nghe mang máng là "Giờ trái dất". Bà ngán ngẫm lắc đầu, phải chi thằng con mình đừng có nghiện chích xì ke, thì làm chi ra nông nổi phải bị bắt vào nhà lao, chịu cảnh đời tù tội! Một giờ nhà lao tắt đèn chắc nó cô đơn dữ lắm, rồi muỗi mòng, rồi đói khát! Mà cái tính thằng nhỏ sợ ma, hổng biết nó có qua khỏi một giờ này hay không? Mà cũng tại vợ chồng ông hết trơn, làm việc tối đầu tối mũi, chỉ lo con cái thiếu thốn, sợ nó thua thiệt con cái người ta! Đến lúc phát hiện ra nó bị nghiện thì coi như nó đã dính vô ma trận, càng kéo nó ra nó càng lún sâu vô thêm! KẾt quả là vợ chồng bà đau đớn dòm con mình bị công an tra còng số tám vô tay, dẫn đi ngay cái ngày nó trở về thú tội với ông bà là nó vửa làm xong một cái tội ác, tội ác vô thức do cái chất trắng rủ rê rù quến! Chứ thiệt tình, nó nói, con sợ ma lắm ba má ơi!

Và ông cán bộ nhà nước hí hửng rề rà qua khu Xóm mới, mới vì nó vừa có mấy em trẻ, đẹp, xinh xinh chọn làm địa bàn hoạt động, lại khá kín đáo! Vô khu này ông hết sức an tâm, khỏi sợ người quen bắt gặp ông đi kiếm phở thay cho món cơm hàng ngày đã dai nhách, nhạt thếch thấy mà ghê! Ông này thầm cảm ơn một giờ tắt điện! Hồi thứ hai họp giao ban, thủ trưởng có phát động phong trào, bà con công chức hưởng ứng nhiệt tình! Thế cho nên bữa nay ông tắt đèn đi về sớm, mà hổng nói cho bà vợ ở nhà biết! Ông tính đi tàu nhanh, đâu đó rồi về với vợ con! Một giờ tắt điện, hóa ra lại cho ông một khoái lạc thiệt là sung sướng!


Tôi không hòa mình vào dòng người đổ vào trung tâm thành phố để tận hưởng giây phút khu khách sạn tắt đèn, lung linh trong ánh nến lãng mạn! Chỉ biết ở một khu đèn đỏ nào đó có con bé vẫn ấm ức về cái đèn giao thông chết tiệt làm nó trễ giờ làm! Ở gốc đường kín đáo có ông cán bộ ngày ngày quần tây áo sơ mi đạo mạo đang ngơ ngác tìm kiếm, quái, con nhỏ hôm qua mình còn thấy nó mà bữa nay đi đâu mất tiêu, thiệt tình, con nhỏ dòm thơm phức! Và bà giám đốc khi trở về nhà, giật mình thấy thằng con tù tội đang lù lù trên ghế sô pha, thản nhiên, bình thản như chưa hề có việc xảy ra! Dưới nhà bếp, bà hoảng hồn vì một xác người chết! Thằng nào lạ hoắc! Con bà chưng hửng: Tui trốn tù, về thấy nó, tính ăn trộm, nên tui giết! Chồng bà vẫn chưa về, bà gục đầu xuống sàn nhà, chỉ còn biết đau đớn khóc như mưa! Bà lão lao công nửa đêm thơ thãi về nhà! Hổng thấy thằng con trai đâu đường xó chợ đi đâu! CHỉ thấy nhoi nhói trong lòng, cái thằng vài bữa bà cho nó đi học nghề, rồi kiếm đứa nào được được ghá thân ghá nghĩa cho nó! Cơ mà nó cứ đi miết thế này ai mà thèm lấy! Mà sao giờ này nó vẫn chưa về ta? Đám sinh viên thì sau khi hô hét khản cổ, cũng thấm mệt, một đám trở về nhà, bắt đén, bắt quạt, bắt máy lạnh tùm lum! Trời đất cơi chi mà lúc nãy nó nóng, đã thế còn thêm cây đèn cầy thấy ghét, cứ tắt lên tắt xuống làm mình phải mồi nó miết, khổ quá! Nhóm khác kéo nhau vô một quán ăn, đèn đóm đàng hoàng, vô tư ăn mừng chiến thắng thành công của một chương trình vì môi trường, vì tương lai! Nói cười hể hả, ăn chơi hể hả! Thiệt vui!

Tôi thì đơn giản, dòm và ghi lại thôi!

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

QUỠN QUỠN QUÊ NHÀ!

Một bữa nào đó quỡn quỡn, tôi sẽ lại mời bạn về thăm quê tôi, về với miền biên giới nghèo nhất nhì chín tỉnh miền Đông, về với núi Bà Đen cao chín trăm mấy mét, với chùa Tòa Thánh, rồi sau đó dẫn bạn đi lòng vòng chợ Long Hoa, mua vài ký muối ớt, năm sáu ràng bánh tráng, ăn chơi trái xoài Tứ quý xanh lè vừa dòn vừa ngọt, cái thứ đặc sản mà nhiều người còn hổng biết nó bám rễ từ đây! Và cái nơi tôi tự hào nhắc nhiều đến với bạn, là Tây Ninh, quê tôi!


Bởi lẽ trên một hành trình của một nhóm sinh viên từ thành phố về với đồng bào biên giới trong chiến dịch tình nguyện ngày đầu năm, tôi cù cưa trong nhiều cái tiếc nuối! Về quê mình mà trên đoạn đường xa tít tắp hổng thèm đứng lên thưa các đồng chí đây là quê của tôi, chạy qua lối rẽ vào nhà mà đoạn đành dòm qua lối khác, chạy qua chùa Gò Kén mà hổng thèm khoe khoang nơi đây đã từng xuất hiện trong cái đề thi Tour Guide Contest 2009 với tư cách là nơi khởi phát của đạo Cao Đài, và còn nhiều nhiều thứ khác nữa mà trên hành trình ấy tôi giấu lại, không đem ra đãi khách!


Vậy mà đã bao nhiêu bận tôi tự hào cho rằng mình là người yêu quê, hướng quê, hoài quê! Coi như xạo xự chứ còn gì đây nữa! Mà bây giờ thói đời đen bạc, tôi thấy nhiều người cũng hay xạo xự lắm, chỉ giỏi nói, mà làm thì chả bao nhiêu! Thôi thì đành hẹn bạn một dịp khác, tôi sẽ dẫn bạn về thăm quê tôi, vậy!



Nhưng thực tình tôi vẫn cho rằng mình là một người yêu quê! Bởi lẽ nơi đó có một ngôi trường trong chùa êm đềm cuốn qua thời tuổi thơ của tôi, có ngôi trường cấp ba xa lơ xa lắc ngày hai bận tôi nhong nhỏng đạp xe đi về, có một tôn giáo để tôi tìm đến trong hành trình vô vi giữa đạo và đời hay đơn giản là nơi đó có một mái nhà để mỗi lần chông chênh, tôi tiềm thức quay về! Dẫu rằng đất này còn nhiều ghê lắm những khó khăn, trúc trắc... Ví như cái nhà kia bữa qua còn hoành tráng mở tiệm cà phê sân vườn, thứ bảy chủ nhật bắt nhạc sống rình rang nhưng sáng hôm sau đi học ngang qua đã thấy tang hoang. Người ta đồn ông bà chủ thiếu nợ ngập đầu, mở quán lòe thiên hạ chơi chứ làm ăn gì đâu! Hoặc giả lâu lâu lại rộ lên ông này bà nọ trúng vé số, trúng nhiều dữ lắm! Ai nói gì thì nói tôi môt mực cho rằng dân xứ này còn nghèo nên mới chịu đầu tư vé số như thế! Người nào trúng được thì mừng cho họ, chứ nhiều khi tiền bỏ ra mua còn nhiều hơn số tiền trúng! Tôi có bận đi xa trở về, tưởng đâu lạc bước khi thấy trời ơi cái ngõ kia nay thành làng vé số, cách nhau một nóc nhà là người ta trưng một cái biển số dò, ngang nhiên, nghiễm nhiên kinh doanh bằng những tờ đỏ đen được nhà nước hoan nghênh! Trời ơi khi mà người ta còn sống được bằng cái nghề này thì có nghĩa là đời sống vẫn còn quá khó khăn, người dân vẫn chưa định hướng được mình ở lưng chừng nấc thang danh vọng! Ở Tây Ninh người đi bán vé số chắc còn nhiều hơn người làm ruộng, người làm công hay những ngành nghề buôn gánh bán bưng khác! Thấy ai không làm việc gì hết thì chắc ăn sớm muộn họ sẽ kiếm cái đại lý, tập trung xung quanh chợ Long Hoa, lãnh vài chục tờ bán buôn bậy bạ, người này người nọ rủ nhau, con nít mới nứt mắt ra cũng đi bán, ông già lụm cụm hông con hông cháu cũng đi bán! Bán vé số cho khỏe thân, tôi nghe sao mà thảm thương cho dân xứ mình ghê ghớm! Sao ông trời khéo chơi trò số phận, cho đất này một quả núi cao sừng sững, một đường biên dài cả trăm cây số với hai cửa khẩu biên giới, rồi rừng quốc gia, rồi hồ chứa nước này nọ… mà sao dân xứ này vẫn nghèo? Tôi hay bực mình vì cái chuyện này! Và hàng ngày vẫn còn quá chừng những phận đời máu me vé số, đề đóm, bài bạc! Có người thành triệu phú, tỉ phú, nhưng rất nhiều người thành dân vô sản, một ngày đẹp trời chuyển qua nghề bán vé số, cho nó khỏe thân!


Vậy thì tôi băn khoăn không biết mai mốt tốt nghiệp rồi mình sẽ về đâu: ra phố hay về làng! Nói băn khoăn vậy thôi chứ câu này dễ òm: quê là nơi để thương để nhớ, và chỗ ở có khi chỉ là nơi nương náu xác thân! Về làng để sẽ lại bó tay trước những khăn khó, quẫn cùng của người dân chi bằng ra đi rồi sẽ lại trở về! Với một tâm thế khác!


+ Một số địa danh hay những gì đại loại như thế:

- Núi Bà Đen: cao nhất vùng Nam Bộ, nếu đi Tây Ninh chắc ăn phải ghé cái chỗ này, dù là hổng có gì để chơi hết trơn hết trọi!

- Chùa Tòa Thánh: nôm na là Thánh địa của đạo Cao Đài, rằm Trung thu có hội Yến Diêu Trì cung, cực kỳ náo nhiệt, rảnh nhớ ghé thăm!

- Xoài tứ quý: nhiều nơi trồng được nhưng theo tôi biết thì Tây Ninh là nơi đầu tiên chiết ghép ra cái giống xoài trông xấu xí, xanh lè, đen thui nhưng cắn vô một phát ngon bá cháy bồ chét này!


- Muối ớt:
đặc sản Tây Ninh, nhà tôi gần lò muối Hải, một trong những ông trùm muối Long Hoa, hồi nhỏ hay lụm mấy trái ớt sừng trâu người ta dùng làm muối về chơi! Muối Tây Ninh nhiều loại, rẻ mắc khác nhau nhưng phần lớn là ngon! Có thể mua ở bất cứ đâu! Dễ bị chém nếu hổng biết chỗ mua!


- Bánh tráng:
món này tôi ăn hoài hổng chán, hình như xứ Tây Ninh đi đâu cũng gặp, xứ Trảng Bàng là nổi tiếng nhất nhưng theo tôi thấy bánh tráng bán ở căn tin trường Hoàng Lê Kha là ngon nhất! (khi nào quỡn tôi chơi một bài về cái này!)


- Cái trường trong chùa:
chùa này là chùa Tòa Thánh, trong đó có nhiều trường lắm, ngày xưa còn có cả bệnh viện, nhà phát thanh… bây giờ người ta dời đi bớt, nhưng cái trường của tôi vẫn còn! Cái trường cổ cổ xưa xưa, nếu có ghé thăm thì nhớ dòm coi có phải trường Lý Tự Trọng hay không vì kế bên là cái trường tiểu học Thị trấn, xa xa một tí cỡ chừng 100 thước là đối thủ cạnh tranh Mạc Đĩnh Chi, xéo xéo nữa là trường Bổ túc Hòa Thành, thẳng tí nữa là trung tâm giáo dục thường xuyên, chi nhánh dạy tin học, điện đóm với dạy lái xe, tổ chức thi lái xe; ngoài ra còn có hai cơ sở dạy luyện thi đại học với dạy tiếng Anh và một trường mẫu giáo, một nhà trẻ cùng túm tụm trong khu chỗ này! Tóm lại là chùa rộng, trong chùa có nhiều thứ, trong đó có tuổi thơ của tôi!


- Cái trường cấp ba ngày hai buổi nhong nhỏng đi về:
trường chuyên của tỉnh, nằm trên đường Võ Thị Sáu, gần chợ chiều phường ba, quanh quẩn trong cái khu cũng tùm lum tùm la trường, bên phải là trường tiểu học chị Sáu, trái là trường Cơ điện Việt Xô, bây giờ đổi tên nhưng tôi khoái gọi theo cái tên kia vì nó dân trí và hoài cổ hay hay, chéo góc phía sau là trường trung học cơ sở Chu Văn An. Trường cấp ba, lại là trường chuyên nên dành chút tình cảm, bày đặt giới thiệu này nọ chứ cái trường nhỏ xíu, dòm một phát là thấy hết trơn toàn cảnh trường!


- Cái quán cà phê sân vườn: cái này là có, quán cà phê chỗ dốc Ao Hồ chạy xuống, dốc trường Cao Đẳng cũ chạy lên, khu cà phê Bi Bo, Kim Chung gì đấy! Hồi xưa nó lấy tên cà phê kem Thoáng Sài Gòn hay cái gì đại loại thế, trong có bán kem, cà phê, nước ngọt, quán dòm cũng được, bán mấy tháng tự dưng bữa kia dọn đi mất tiêu! Bây giờ Tây Ninh mở nhiều quán cà phê lắm cơ, nếu ghé thăm phải đi Thềm xưa, I Thảo Wind (cái tên hổng ưa), Sông trăng… Tóm lại là rất nhiều, xóm cà phê nằm trên đường Nguyện Thái Học, đường nhà tôi, nhưng cái này hổng phải chuyên ngành nên cho phép tôi hổng nói tới!


- Xóm vé số:
khu bệnh viện Hòa Thành, đoạn từ bến xe đến ngã tư bệnh viện, cách một nóc nhà là có một cái bảng dựng bán vé số! Chưa đầy hai trăm mét nhưng có hơn hai chục hộ kinh doanh vé số! Cảm giác đi trên đoạn đường này là vô cùng sửng sờ, dân mình coi bộ ghiền vé số dữ trời!

Nói về sách!

Với Hội sách lần 5, năm đầu tiên trải mình với đời sinh viên đại học, là ấn tượng về lần giao lưu với cô Bạch Tuyết - một sự trải đời, một chữ thiện tâm, là đứng lên nói với cô Lý Lan rằng à " con khoái văn cô viết lắm, con đọc sách cô hồi mới học lớp ba, rằng cô cho con xin cái chữ ký", là lần đầu tiên đi với bạn K. dễ thương, dễ mến, để bây giờ bạn đi mất tiêu rồi mới nhớ, thì ra khi đó mình có mượn tiền bạn dể mua sách, là những háo hức trở về với một niềm vui nho nhỏ, niềm vui vô tận, vui với chữ, với tri thức!

Với Hội sách lần này, lần thứ 6, khoảng cách hai năm không phải quá dài nhưng vỡ vụn ngẫm ra mình sao bơ quơ khang khác quá! Cũng lăn xả mình vào nó, cũng háo hức, cũng đợi chờ, cũng lại gặp lại cô Lý Lan, cũng công viên Lê Văn Tám, sách nhiều hơn, người hổng biết có đông hơn không nhưng thiệt tình sao mà trống trải! Cách nửa vòng trái đất, nhắn một cái tin vu vơ hờ hững nhắc bạn K. về một hội sách chưa xa, lòng cũng vui vui, bạn hồi âm cho thấy vẫn còn ấm nóng lằm một ký ức!

Tôi khoái đọc sách từ nhỏ, quyển sách đầu tiên tôi có là quyển Nhị thập tứ hiếu, được ba mua cho, chắc hồi lớp một! Tôi quý quyển sách này nhiều lắm, đọc qua rồi đọc lại, hồi đó chắc là đánh vần từng chữ, nhưng chủ yếu là quý ở chỗ cái tình, thương ở chỗ cái tình thương ba dành cho tôi. Dù ông không nhiều chữ, nhưng ngay từ nhỏ ông đã vô tình gieo vào tôi một tình yêu vô bờ bến với sách, bài học nhân nghĩa ông dạy tôi không từ quyển luân lý giáo khoa thư mà từ chính bàn tay thô ráp của ông khi trao tôi quyển sách đầu đời: quyển sách bao hàm những tấm lòng hiếu thảo! Bao năm đổi dời tôi không còn giữ quyển sách ấy nữa, tôi nhớ một lần tôi đã để quyển sách bị ướt nước mưa, quyển sách phồng lên y chang như chồng bánh tráng, xấu hoắc! Ba tôi khi ấy chắc cũng hổng có nghĩ hiểu, nếu nhìn thấy chắc ông cũng hổng buồn! Nhưng giờ nếu cho tôi trở lại, chắc tôi sẽ để dành quyển sách ấy, để dành cho con tôi, như một món quà, mà ba tôi ngày xưa đã tặng cho tôi!

Đôi lúc tôi hay nghi ngờ về việc làm thế nào mà một người thụ hưởng được một tình yêu dành cho sách, nói trắng ra là khoái đọc truyện chữ! Bởi lẽ chỉ có đọc truyện thì con người mới rèn luyện được khả năng tư duy, tâm hồn mở mang, trí tuệ mở mang! Những lúc chông chênh tôi hay tìm về với sách! Và tôi muốn con tôi sau này cũng như tôi, hôi hổi tình yêu đối với thế giới đọc, thế giới của tâm hồn! Tôi trăn trở vô cùng vì trong một thế giới mà facebook đã làm mờ đi những quyển nhật ký viết tay chứa nhiều tâm sự, báo mạng đã cướp đi cái sứ mệnh thiêng liêng là cập nhật thông tin nhanh chóng của báo in, trò chơi trực tuyến thay thế những năm mười, thùng binh, tạt lon, bán quán... thửa nhỏ của tôi! Tôi thấy sợ khi chính các cháu của tôi mới một hai tuổi đã bị nhiễm căn bệnh ghiền xem truyền hình, và con cái tôi sau này liệu rằng có bị cuốn theo những vòng xoáy ấy mà quên đi các giá trị truyền thống thiêng liêng của văn hóa tĩnh mà tôi đã được truyền thụ từ những người cha, người mẹ tuyệt vời của tôi hay không? Ba mẹ tôi, dẫu chỉ là những người buôn gánh bán bưng bình thường, chữ không nhiều, học không cao, nhưng với tôi họ là những nhà giáo dục tuyệt vời! Ba mẹ đã cho anh em tôi tình yêu với những câu hò điệu lý, cả nhà ai cũng có thói quen đọc sách, mỗi sáng hay giành nhau tờ Tuổi trẻ để đọc ngấu nghiến thông tin, tối nào cũng bật kênh VTV xem thời sự chứ không phải HTV7, thứ bảy cả nhà hay coi cải lương đài Tây Ninh dù rằng bao giờ cũng chửi lên chửi xuống cái vụ nhà đài bao giờ cũng chiếu mấy tuổng thấy ớn, coi hoài hổng thấy khá nỗi! Nhà tôi không quá truyền thống nhưng giá trị nhân văn mà tất thảy gia đình tôi đều nhận thức được đó là sự hối tiếc trước những đổi thay của xã hội, của đời sống! Và tôi trân trọng điều ấy, chỉ sợ thế hệ con cháu mình, có còn giữ được nếp nhà hay không?

Tôi hay bân quơ về những chuyện cuộc sống, khách đến thăm có thể chưng hửng về những điều tôi viết, bởi tôi không phải kẻ viết báo, viết văn chuyên nghiệp! Nếu nói rằng tôi không mộng văn sĩ là sai lầm, là giả dối! Tôi cũng khoái trở thành nhà văn như cô L.L, cô L.T.L, bạn N.T.N, chị N.N.T... lắm nhưng đôi lúc thấy mình chưa đến tầm những người ấy, đành vú vớ đứng sang một bên, dõi theo và đôi lúc thấy thèm! Thèm thì thèm vậy chứ biết làm gì! Bởi thế trong bài viết đôi lúc câu chữ còn lủng củng, ý tưởng xáo trộn tùm lum! Nhưng tôi cho rằng đó là việc không quan trọng, chắc ăn hổng ai hiểu hết những điều tôi viết ra đâu, nhưng viết là để làm chi, viết là để thỏa mãn bản thân, để giải tỏa mình! Và tôi, khi nào còn viết, nghĩa là, tôi đang sống chứ hổng phải đang trôi!

Chị tôi đang có thai, chị khoái đọc sách, Hội sách lần này tôi mua cho chị vài quyển! Cũng tại mẹ tôi hay nói lúc mang thai tôi mẹ ở không, quỡn quá nên ra tiệm sách Trưởng thàng, chỗ cửa Chánh môn, mướn sách về đọc! Mẹ đọc hết trọn bộ Hồ Biểu Chánh, Kim Dung, Cổ Long... Cho nên bây giờ mẹ đổ thừa là do mẹ đọc sách nhiều nên tôi mới có cảm hứng nhiều với sách như thế! Tôi tin!

Ước gì mai mốt con tôi cũng khoái đọc sách như tôi, như thế thì con mới khó trở thành người xấu hơn một chút, con ạ!

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Quyết định quan trọng!

Tôi đi Hội sách thành phố, ngẫm ra được nhiều điều! Đầu tiên là dân tình mình kì cục quá, mấy bữa có giao lưu với mấy văn nghệ sĩ, nhà xuất bản hay ưu ái tặng sách! Bà con ùn ùn kéo tới, già cả lớn bé, có một bạn sinh viên, dân Mở, thiệt tình trơ trẽn đến kì cục, xăm xăm chạy lên xin sách! Mà cái vụ sách tặng thì tôi tâm niệm rằng phải có quí, có thương thì mới đem tặng, chữ "tặng" nó rất cao quý, "tặng" chứ hổng phải "cho", hổng phải hàng khuyến mãi, hàng tồn kho đem đi bán đại hạ giá! Nên người được tặng cũng phải có văn hóa, phải biết tôn trọng những quà tặng người khác tặng cho mình! Đâm hơi qua chuyện tặng quà, tôi buồn hết một tuần về việc bạn tôi đem quyển sách tôi tặng đem cho người khác, ngay sau khi tôi tặng bạn ấy! Tôi hay cười cười nói nói, nhưng dứt khoát lần sau tôi không tặng nữa! Và cái việc ùn ùn đẩy đẩy lên xin sách ở Hội sách lần này thiệt tình tôi rầu quá sức!

Thêm cái nữa là việc sử dụng tiếng anh! Nhiều người trẻ bây giờ hay xổ tiếng Anh quá! Tôi đôi lần cũng thế, ngồi trong quán uống nước mà bát nhè câu nào cũng chơi chữ Tây vô hết! Đi hội sách về thấy dứt khoát là không được! Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt là phải giữ gìn từ ngay trong ý thức, và ý thức ấy chiunh1 là sự không lai tạp giữa thứ tiếng Việt bồi thêm tiếng tây! trước giờ hay sính ngoại, viết bài trên blog đôi lần chêm tiếng anh vào cho bài có trọng lượng chút chút, cho có vẻ ta đây dân học thức, cho bằng mấy bạn có blog hay viết entry hay chơi trên trang facebook mấy cái câu "status" bằng tiếng anh! Từ nay phải bỏ! Tính sính ngoại nhiều quá rồi! Từ bỏ tật này bắt đầu bằng việc đổi lại những dòng trả lời thư tự động bên hộp thư điện tử sang tiếng Việt! Thay đổi bằng cách tuyệt đối nói không với chuyện xen lẫn Tây ta trong bài viết! Thay đổi một thói quen dần dần thay đổi một hành vi, từ một hành vi ra một con người, từ một con người ra một số phận! Cái này chắc là đúng!

Điều cuối cùng là hôm bữa đưa nhỏ bạn đường dẫn đến thăm nhà, bạn nói coi thôi chứ hông nhận xét! Bực mình nên quyết định cũng từ đây hổng thèm chia sẻ bài viết gì ráo, ai quan tâm thì vào nhà chơi, tôi rót trà mời bánh! Đạm bạc đơn sơ nhưng mà vui! E hèm, cái điệu này chắc phải sắm một cây chổi lông gà mới, lâu lâu dọn lại cái nhà, vì chắc ăn hổng ai thèm quan tâm ghé đây chơi đâu!

Chỉ một ngày mà lòi ra ba cái quyết định chiến lược như thế, tôi chắc ăn đây là một ngày trọng đại!

Nhạt!

Đi qua ngày
Nắng nhạt, trời nhạt
Vị kem nhẹ bẫng bờ môi

Hội chưa tan
Mà em
Thiệt tình trông uể oải quá

Có một que kem nào
Ai vô tình vứt bỏ
Lăn lốc bên vệ đường
Bất chợt
Tĩnh tâm!

=> Thơ!

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

BỆNH CHAI NGƯỜI

Bữa nay quỡn, ngồi lục lại bộ phim Titanic, coi xong thấy cũng bình thường, sao hồi nào coi thấy hay dễ sợ vậy cà! Lúc này lại thấy mình vô duyên, sao trong phim có cảnh mấy ông thầy đờn, chơi đờn suốt cả cuộc đời, mà đến phút cuối, lúc chiếc tàu chuẩn bị về với biển mà mấy ông đờn vẫn điềm nhiên, như con tằm, tận tụy nhả tơ cho đến giây phút cuối cùng, còn mình thì coi một bộ phim, được liệt vào hàng kinh điển, mà chừng ba lần là ngán tới cổ! Cảm xúc bị chai, chất người bị chai!


Mà thiệt tình thì bị chai chất người thiệt rồi! Như hồi nào ở quê, đi ngang qua chỗ chùa, hay lục túi kiếm vài đồng tiền lẻ, cho vào tủ hành hương! Lâu lâu chép miệng, con làm phước cho ông trời thương, phù hộ con đợt này xyz gì đó! Còn bây giờ dù có bà già, tay cầm cái nón lá rách mướt, ghẻ chóc lam nham đứng trước mắt, cháu ơi cho bà chút đỉnh, mình cũng sẽ quay mặt đi, điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra! Bà cụ đi qua mình một mình ngồi lại, chất con ngạo nghễ trong khi cái thằng người tê tái! Cũng lâu rồi không còn lục túi kiếm vài đồng cắc cho chùa nữa!


Chất người bị chai khi mà con chị hai, mới đầy tháng, mốt lớn gọi mình bằng cậu, bị bệnh vô nhà thương cũng hổng thèm gọi điện hỏi thăm! Tới hồi vú vớ nhắn tin, hỏi chị ơi em nó ra sao rồi, chị cười hì hì, trời đất, nó ra viện từ bữa rằm, đang nằm ngủ ngon lành nè!


Chất người bị chai khi mình đang ngồi cười ha hả trước mấy đoạn video clip Cung tâm kế hài nhảm của một thằng nào đó xa lơ xa lắc thì thằng bạn nhiều năm của mình tự dưng thay đổi tư duy, đòi nghỉ học! Trong một lần quá khích, nó còn quyết tâm chạy bộ từ khu ký túc về tới tận nhà, miệt Trảng Bàng! Và lúc mình ngồi than trời về câu chuyện của bạn thì nhận được tin nhắn chúc mừng năm mới từ nó! Chuyện xảy ra cả mấy thàng rồi, bây giờ nhắc đến làm gì, mày!


Chất người rõ ràng là bị chai khi bữa qua ngồi đồng hết năm tiếng, bài bạc hăng máu để cuối cùng bị người ta lột hết trăm mấy! Cũng năm tiếng đồng hồ đó nếu dành cho việc ôn tập cho kỳ thi tuyển sắp tới, chắc ăn là hữu ích!


Chất người bị chai khi thẳng thừng cầm búa hốt năm sáu phát làm cho năm con chuột bẹp dí, con lòi đầu, con lòi ruột, con lòi ra hai con mắt! Cái thằng người trong mình ơ hờ, ai biểu tụi bây phá nhà phá cửa, không cho tao ngủ buổi tối làm chi! Thật ra chuột đã dính vào keo, chỉ cần đem cái đống bùi nhùi đó cho vô thùng rác, chờ người tới đem đi là được, cần chi phải mạnh bạo! Để rồi mùng tám cúng sao, lạy muốn gãy cổ để cầu trời! Nói nào ngay mình mỗi tháng ăn chay mười ngày, cho lòng thanh thản, nhưng mà thiệt tình là ăn chay cho mỗi khi làm việc ác, khỏi phải ngắc ngứ lương tâm! Mượn danh đạo tạo danh đời, cái này là tu ngàn kiếp cũng khó siêu sinh, như ngã đạo!


Chất người coi như bị chai khi tự dặn mình là à bữa này sinh nhựt thằng đó, con đó, nhớ cho kỹ mà nhắn tin chúc mừng! Còn ba má mình năm nay bao nhiêu tuổi, sinh ngày nào năm nào đánh chết cũng không thèm nhớ! Tự nhiên thấy mình “con” ghê ghớm, nhất định bữa sau về hỏi ngay ba má, ghi vào bộ nhớ… điện thoại, sợ quên! Còn nếu mất điện thoại luôn thì … coi như về nhà hỏi tiếp!


Chất người bị chai nhiều quá cho nên ngoài mặt giả lả chứ trong bụng thiệt buồn! Giá như cuộc đời này đừng có nhiều tranh đua bay nhảy, chắc mình cũng hông đến nông nỗi! Truyện “Cù lao nông nổi” của tác giả Nhựt mình đọc hoài mà hổng thấy chán, coi như vớt vát ở chỗ cái cảm xúc! Hơn ai hết là phải nhận thức, phải nhận thức được mình, phải tự giữ lấy mình! Không thôi là có bữa, y như cái tàu Titanic, đụng phải cái tảng băng, chìm xuống đáy là coi như hết phim! Lúc đó chỉ sợ người ta coi vài ba lần là chán, y chang mình!